Việt nam đã từng là một đất nước có diện tích rừng lớn, rừng là tài nguyên quý báu của đất nước. Rừng là một bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sống như:sinh thuỷ, điều hoà nguồn nước, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt, điều hoà không khí, hấp phụ khí CO2, bảo tồn đa dạng sinh học…, tác dụng bảo vệ môi trường chẳng những đối với nước ta mà còn có ý nghĩa toàn cầu. Rừng là nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế – “rừng vàng, biển bạc”, rừng và nghề rừng có đóng góp to lớn đối với nền kinh tế quốc dân thông qua việc khai thác đáp ứng nhu cầu gỗ và lâm sản, ổn định cuộc sống, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu người dân sống trong và gần rừng ở miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy Nhà nước đã chủ trương đưa lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, theo cách thống kê hiện hành đóng góp về kinh tế của ngành lâm nghiệp là không đáng kể, mới chiếm khoảng hơn 1% tổng GDP cả nước, vì thống kê này chưa tính đến đóng góp của ngành lâm nghiệp trong sản xuất công nghiệp chế biến lâm sản, chất đốt, lâm sản khai thác không kiểm soát được và đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ môi trường của rừng ( theo tính toán củanhiều nước trên thế giới thì giá trị dịch vụ môi trường lớn hơn gấp nhiều lần giá trị trực tiếp của lâm sản ).

 1.1.2 Quan niệm về ngành lâm nghiệp

 Hiện nay chưa có được một quan niệm thống nhất về ngành lâm nghiệp. Theo phân ngành hệ thống kinh tế quốc dân hiện hành thì lâm nghiệp là ngành kinh tế cấp II trong ngành kinh tế cấp I- ngành nông và lâm nghiệp dựa trên nguyên tắc phân loại theo hoạt động kinh tế chứ không phân loại theo sản phẩm do mỗi ngành sản xuất. Lâm nghiệp bao gồm các hoạt động sản xuất và dịch vụ sau: (i) các hoạt động trồng rừng, trồng cây phân tán, nuôi rừng, chăm sóc rừng tự nhiên, khai thác gỗ và sơ chế gỗ và lâm sản khác tại rừng; (ii) các hoạt động trồng cây lấy gỗ, cây bóng mát, cây đặc sản, tre luồng, song mây, trồng cây tập trung, trồng cây phân tán, hoạt động ươm cây giống; (iii) khai thác gỗ, sản xuất gỗ tròn ở dạng thô như cưa khúc, gỗ thanh, gỗ cọc đã được đẽo sơ, tà vẹt đường ray hoặc củi làm nhên liệu; (iv) thu nhặt các nguyên liệu trong rừng gỗ, cánh kiến, nhựa thông, nhựa cây thơm, quả dầu và các loại quả có hạt khác, thu nhặt các loại sản phẩm hoang dã khác trong rừng; (v) các hoạt động dịch vụ lâm nghiệp như bảo vệ rừng, đánh giá ước lượng cây trồng, sản lượng cây trồng, phòng chống cháy và quản lý rừng bao gồm trồng, nuôi và tái sinh rừng; và (vi) vận chuyển gỗ trong rừng đến bãi II, kết hợp khai thác và sơ chế trong rừng.

Theo hệ thống phân loại này tổng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp rất thấp, lâm nghiệp chỉ đóng góp cho GDP quốc gia khoảng trên  1%, làm cho nhiều người kể cả các cấp lãnh đạo hiểu sai lệch về hiệu quả kinh tế của một ngành  quản lý diện tích gần 1/3 lãnh thổ với tài nguyên rừng có tiềm năng như “ tiền rừng, bạc bể”, có gần 24 triêu dân sinh sống trong vùng đất lâm nghiệp, mà chỉ đóng góp không đáng kể cho nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân. Từ đó có ảnh hưởng không tốt  đến việc hoạch định chính sách phát triển và đầu tư của nhà nước cho ngành lâm nghiệp, làm hạn chế sự phát triển lâm nghiệp.

  Quan niệm lâm nghiệp này tuy đã đề cập đến một số hoạt động dịch vụ lâm nghiệp, nhưng chưa tiếp cận với quan niệm quốc tế về đóng góp tài chính của rừng thông qua các giá trị dịch vụ của rừng được đánh giá bằng tiền, như : bảo vệ môi trường, sinh thuỷ, điều hoà nguồn ước, chống sói mòn, hạn chế lũ lụt, lắng đọng phù sa và các dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giáo dục môi trường, và đặc biệt là khả năng hấp phụ và lưu trữ CO2 của rừng  ( cơ chế phát triển sạch). Các giá trị  dịch vụ này của rừng ngày càng đóng góp lớn vào giá trị sản xuất lâm nghiệp trong tương lai.

  Quan niệm trên cũng không phù hợp  chức năng và thực tiễn hoạt động của hệ thống tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp truyền thống và hiện nay

  Bởi vậy, trong Chiến lược lâm nghiệp quốc gia cần đưa ra một quan niệm mới về ngành lâm nghiệp Việt nam. Đó là, “ Lâm nghiệp là một ngành kinh tế, bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế gắn liền với sản xuất hàng hoá và dịch vụ từ rừng; bao gồm các hoạt động gây trồng, sản xuất nguyên liệu lâm sản, các dịch vụ môi trường có liên quan đến rừng và khai thác vận chuyển, chế biến lâm sản. Lâm nghiệp là một ngành kinh tế gắn bó mật thiết đến bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học”

1.13.  Sự cần thiết phải xây dựng chiến lược lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006-2020

Trong nhiều năm qua nền kinh tế của Việt nam đang phát triển theo chiều hướng tích cực với tăng trưởng GDP luôn ở mức trên 7,5 % mỗi năm,  Tuy nhiên, đóng góp  của ngành cho nền kinh tế quốc dân theo cách thống kê hiện nay là quá thấp ( GDP hiện chỉ ở mức trên 1%)  và chưa phản ánh đúng những đóng góp thực tế và tiềm năng của ngành. Vì vậy  ngành lâm nghiệp cần phải có những  thay đổi về các định hướng phát triển ngành để đáp ứng với yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế Hiện tại ngành lâm nghiệp đang có hai văn kiện chỉ đạo các hoạt động của ngành là Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2001-2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Khung chương trình hỗ  trợ ngành lâm nghiệp ( FSSP), được ký kết giũa  Bộ NN&PTNT ( đại diện cho Chính phủ Việt nam) và 23 đối tác nước ngoài. Việc tồn tại hai văn kiện đã gây trở ngại cho việc sử dụng các khung chiến lược này để định hướng cho xây dựng các quy hoạch / kế hoạch và  sử dụng các hỗ trợ quốc tế của các đối tác quốc tế một cách có hiệu quả. Chiến lược hiện tại còn thiếu các phân tích đầy đủ về ngành , chưa tính  được các giá trị trực tiếp và gián tiếp của rừng, chưa liên kết được với các nguồn tài chính của Chính phủ, của  các nhà tài trợ và đầu tư  quốc tế và đặc biệt  là của khu vực ngoài quốc doanh. Chiến lược hiện tại chủ yếu vẫn dựa trên cách tiếp cận cũ về quản lý và phát triển rừng và ít liên kết với các kinh nghiệm của khu vực và quốc tế cũng như xu hướng hội nhập trong tương lai. Hơn nữa, chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2001-2010 là một văn kiện chỉ được phê duyệt ở cấp Bộ, nên hiệu lực đối với các Bộ, các ngành khác và các dịa phương  chưa cao và vì vậy cần xây dựng một chiến lược mới cho ngành lâm nghiệp được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt.

Chiến  lược lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006-2020 được xây dựng trên cơ sở chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2001-2010 và Khung chương trình hỗ trợ ngành lâm nghiệp ( FSSP). Chiến lược này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau:

–  Thể hiện được các nội dung chính của các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và của các ngành có liên quan và các công ước và hiệp định quốc tế mà Việt nam đã ký kết;

–  Thừa kế các điểm ưu việt của chiến lược hiện hành;

–  Xây dựng dựa trên các quan điểm và phương thức tiếp cận mới về lâm nghiệp như đánh giá đầy đủ các đóng góp  trực tiếp của ngành ( bao gồm cả 3 loại rừng và công nghiệp chế biến lâm sản)  và gián tiếp của rừng ( các dịch vụ môi trường như hấp thụ khí thải CO2 , phòng hộ đầu nguồn , ven biển , bảo vệ môi trường đô thị, du lịch sinh thái vv)  và các định hướng dựa trên cơ sở các  phân tích.

–  Cách tiếp cận trong phát triển lâm nghiệp được cân đối giữa các mục tiêu kinh tế xã hội và môi trường, chú ý hơn các vấn đề xã hội như xã hội hóa các hoạt động lâm nghiệp, xoá đói giảm nghèo, thức đẩy sự tham gia của các dân tộc ít người, phụ nữ vv)

–  Bảo đảm tính khả thi của chiến lược với các mục tiêu và chỉ tiêu rõ ràng ít nhất cho giai đoạn 2006-2010 và xác định các ưu tiên cho các chương trình phát triển và chương trình hỗ trợ của chiến lược.

–  Xác định các nguồn vốn đầu tư và ngân sách cần thiết để thực hiện chiến lược cho giai đoạn 2006-2010;

–  Có sự tham gia rộng rãi của các Cục , Vụ, Viện , Trường  trong Bộ Nông nghiệp và PTNT , Văn phòng Chính phủ , các Bộ ngành có liên quan, các cấp từ trung ương đến cấp cơ sở, các thành phần kinh tế xã hội khác nhau đặc biệt là khu vực tư nhân và cộng đồng dân cư, để bảo đảm chiến lược có sự đồng thuận cao của tất cả các bên tham gia chủ chốt và những người hưởng lợi.

1.2. Bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội

1.2.1. Một số xu thế kinh tế tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội và tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta là:

Thứ nhất, cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển nhảy vọt, thúc đẩy sự hình thành nền kinh tế tri thức và làm biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sở hữu trí tuệ có vai trò ngày càng quan trọng. Trình độ làm chủ thông tin, tri thức có ý nghĩa quyết định tương lai phát triển của các nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, các lợi thế so sánh quốc tế của các quốc gia không ngừng biến đổi. Chu trình luân chuyển vốn, thay đổi công nghệ và sản phẩm ngày càng được rút ngắn, đòi hỏi các quốc gia cũng như các doanh nghiệp phải điều chỉnh rất nhanh nhạy để thích ứng với các thay đổi này. Các nước đang phát triển có cơ hội để thu hẹp khoảng cách phát triển, cải thiện vị trí quốc tế của mình, đồng thời cũng đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn và bị phụ thuộc nhiều hơn nếu không có những chính sách thích hợp tranh thủ được các cơ hội, và khắc phục được các yếu kém để vươn lên.

Thứ hai, toàn cầu hóa kinh tế là xu thế khách quan, ngày càng lôi cuốn thêm nhiều nước và mở rộng ra hầu hết các lĩnh vực, làm tăng sức ép cạnh tranh và tác động qua lại giữa các nền kinh tế. Mở cửa đơn phương và thông qua các hình thức hợp tác song phương và đa phương giữa các quốc gia ngày càng sâu rộng cả trong kinh tế, văn hoá, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, phòng chống thiên tai và các đại dịch. Các công ty xuyên quốc gia không ngừng cấu trúc lại, hình thành những tập đoàn khổng lồ chi phối các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quan trọng trên phạm vi toàn thế giới với những hình thức tổ chức quản lý đa dạng và linh hoạt.

Thứ ba, hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới là cần thiết và tất yếu đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam nếu như không muốn bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển. Để hội nhập, tất cả các nước trên thế giới đều phải điều chỉnh chính sách theo hướng mở cửa, giảm và tiến tới dỡ bỏ hàng rào quan thuế và phi quan thuế, làm cho việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ, luân chuyển vốn, lao động và kỹ thuật giữa các quốc gia ngày càng tự do hơn. Thế giới ngày càng trở thành một thị trường thống nhất và sự tác động qua lại giữa các quốc gia tăng lên, làm cho tất cả các nước phải thường xuyên có những cải cách kịp thời trong nước để thích ứng với những sự biến động trên thế giới. Vì vậy, hội nhập quốc tế thực chất là một quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh rất phức tạp, đặc biệt là đấu tranh chống lại sự chi phối của các cường quốc kinh tế và các công ty xuyên quốc gia để không ngừng mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại nhằm góp phần phát triển kinh tế và củng cố an ninh chính trị, độc lập kinh tế và giữ gìn bản sắc dân tộc của mỗi nước thông qua việc thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đan xen, nhiều chiều, ở nhiều tầng nấc với các quốc gia khác. Các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển như nước ta cần chủ động lựa chọn phát triển những ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và tham gia có hiệu quả vào phân công lao động quốc tế.

Thứ tư, khu vực Châu á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, trong đó Trung Quốc có vai trò ngày càng lớn. Sau khủng hoảng tài chính – tiền tệ năm 1997, nhiều nước ASEAN đang khôi phục lại đà phát triển với khả năng cạnh tranh cao hơn.

Trung Quốc thực hiện những nỗ lực cải cách sâu rộng và có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế thế giới. Trong khi đó Nga và Nhật Bản nỗ lực tìm lại vị thế của mình và Tây Âu củng cố và phát triển sự liên kết bên trong. Các nước Đông á đang dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 và đang thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội một cách vững chắc.

Mấy năm gần đây các nước trong vùng Đông Nam Châu á đang xây dựng các tuyến xuyên á bằng đường bộ và đường sắt nối giữa Singapore-Malaysia-Thái Lan-Myama-Trung Quốc-Việt Nam. Một số tuyến đường này đang trở thành hiện thực. Y tưởng xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai- Hà Nội-Hải phòng cũng đang được Chính phủ ta xúc tiến nghiên cứu. Việc mở ra hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng với tầm nhìn xa 15-20 năm theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy lợi thế của thị trường vùng Tây Nam Trung Quốc rộng lớn với gần 350 triệu dân (2003), riêng tỉnh Vân Nam giáp với Lào và Việt Nam đã có 37,8 triệu dân, mặt khác các tỉnh vùng tây nam Trung Quốc cũng dễ dàng ra biển Đông qua cảng Hải Phòng. Như vậy, nếu ý tưởng này trở thành hiện thực thì tương lai không xa vùng này sẽ có cơ hội lớn để phát triển.

Các vấn đề toàn cầu như dân số, môi trường, an ninh tài chính và an ninh lương thực, bệnh tật, nạn khủng bố, cũng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Nhu cầu hợp tác phát triển tăng lên, đòi hỏi phải có sự thay đổi phạm vi, chức năng và cấu trúc của các thể chế toàn cầu như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vv… Những vấn đề toàn cầu này chi phối ngay từ đầu sự lựa chọn chiến lược và tiến trình phát triển của Việt Nam nói chung và các vùng lãnh thổ của đất nước nói riêng. Xuất hiện hàng loạt cơ hội mới mà nếu nắm bắt và tận dụng được chúng, thì một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một tỉnh có thể tạo ra sự nhảy vọt trong quá trình phát triển.

 Những xu thế phát triển này trong tình hình thế giới và khu vực sẽ có tác động mạnh mẽ đến tình hình nước ta, trong đó có cả những cơ hội và thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của dân tộc. Những thành tựu to lớn và rất quan trọng của hơn 15 năm đổi mới và hội nhập làm cho thế và lực của nước ta lớn mạnh lên nhiều. Cơ sở vật chất – kỹ thuật của nền kinh tế được tăng cường. Đất nước còn nhiều tiềm năng lớn về tài nguyên, lao động. Tình hình chính trị – xã hội ổn định. Môi trường hoà bình, sự hợp tác, liên kết, chủ động HNKTQT ngày càng phát triển tạo điều kiện để chúng ta tiếp tục phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực, nguồn vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, mở rộng thị trường phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đây là những cơ hội lớn để chúng ta tạo ra những bước phát triển mới.

Đồng thời, chúng ta cũng phải đối phó với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là tình trạng thấp kém của nền kinh tế, khoảng cách về trình độ phát triển giữa nước ta với nhiều nước trên thế giới còn rất lớn, trong khi đó đất nước đi lên trong điều kiện cuộc cạnh tranh quốc tế diễn ra ngày càng quyết liệt.

Về khả năng thu hút nguồn vốn nước ngoài:

Vốn nước ngoài có vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đối với nước ta, trong đó có nguồn vốn FDI và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Xu thế chung hiện nay là dòng vốn tư nhân có chiều hướng tăng lên, dòng vốn tài trợ phát triển chính thức (ODA) sẽ theo chiều hướng giảm đi.

– FDI đã tác động đến việc tăng trưởng tổng nguồn vốn đầu tư của các nước đang phát triển.  Xu hướng FDI ngày càng hướng tới những vùng lãnh thổ có môi trường đầu tư thuận lợi và hướng vào các ngành công nghiệp và các ngành sản xuất mà nhà đầu tư có thể đem lại hiệu quả cao.

– Về ODA: nguồn tài trợ chính cho Việt Nam là Nhật Bản, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu á và một số nước Châu Âu (Pháp, áo, Anh, Đức, Hà Lan, Thuỵ Điển, Phần Lan…). Khu vực đang giành được ODA ưu đãi là các dự án hỗ trợ nông lâm nghiệp-nông thôn, thuỷ lợi, xoá đói giảm nghèo đã góp phần tạo động lực cho một nền nông lâm nghiệp hàng hoá ở Việt Nam phát triển.

1.2.2. Bối cảnh phát triển trong nước những năm qua

Trong  gần 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới ( 1986-2005), Việt nam đã đạt nhiều thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế và xã hội. Việt nam đã đẩy mạnh công cuộc cải cách về luật pháp, thể chế , chuyển dịch cơ cấu kinh tế , thúc đẩy nhanh quá trình mở cửa , hội nhập với nền kinh tế thế giới và khu vực, nhờ đó đã  thực hiện thành công việc kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đạt mức tăng trưởng cao trong nhiều năm trung bình 7,5% / năm. Tuy vậy tăng trưởng chưa thực sự vững chắc, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp , chậm được cải thiện.

Các cải cách trong nông nghiệp và nông thôn đã giúp tăng nhanh giá trị sản xuất nông nghiệp , không những  bảo đảm an ninh lương thực một cách vũng chắc mà còn  đưa Việt nam thành một trong các nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu vv. Tuy nhiên tình hình nông nghiệp và nông thôn cũng như sử dụng đất đai vẫn còn nhiều bất hợp lý, chưa ổn định, năng suất nhiều vật nuôi cây trồng và chất lượng sản phẩm còn thấp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nông thôn còn chậm , nhiều nơi còn mang tính tự phát , chưa bền vững, Công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn chưa được triển khai một cách bài bản. Nhiều sản phẩm chủ yếu của nông nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu, nên hiệu quả kinh té còn thấp. Mặc dù giá trị sản xuất nông , lâm , thuỷ sản tăng cao và vượt mục tiêu đề ra , nhưng do chi phí sản xuất cao , nên giá trị gia tăng của toàn ngành thấp ( 3,6% trong 5 năm 2001-2005 ).

Sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao , nhưng chất lượng và hiệu quả chưa được cải thiện. Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp tăng bình quân 15,7% / năm nhưng giá trị gia tăng chưa tương xứng ( bình quân 10,5%/ năm ), Ngành công nghiệp chế biến đóng góp vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp khoảng 50-60% , nhưng do chi phí nguyên vật liệu cao . đặc biệt các ngành công nghiệp gia công như may mặc, da giầy, chế biến gỗ xuất khẩu phải nhập phần lớn nguyên liệu , nên giá trị gia tăng thấp. Công nghệ hiện đại trong công nghiệp thấp, tốc độ đổi mới công nghệ chậm và năng lực cạnh tranh thấp.  Sự phát triển của công nghiệp nông thôn , vùng sâu vùng xa chưa được chú trọng đúng mức.

Các  ngành dịch vụ tuy hoạt động trong điều kiện rất khó khăn nhưng chất lượng dịch vụ đã được nâng cao, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và phục vụ đời sống của nhân dân. Thị trường trong nước đã thông thoáng hơn với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Tuy nhiên , các ngành dịch vụ phát triển còn chậm , mạng lưới thương nghiệp vùng nông thôn, miền núi , vùng sâu vùng xa kém phát triển.

Việt nam cũng đạt được nhiều thành tưu quan trọng về mặt xã hội . Mức sống của người dân thành thị và nông thôn đã được cải thiện rõ rệt. và  góp phần quan trọng vào xoá đói giảm nghèo.Phương thức xoá đói giảm nghèo đã được thay đổi phù hợp với Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo đã tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, tăng việc làm  và  thu nhập cho người dân thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Tỷ lệ các hộ nghèo  giảm đáng kể xuống còn dưới 7% năm 2005 trung bình mỗi năm 2 đến 2,5% ( theo chuẩn nghèo Việt nam giai đoạn 2001-2010)  [1]. Tuy rằng  tình trạng nghèo đói tiếp tục giảm , nhưng nó vẫn là một thách thức đối với Việt nam. Tỷ lệ hộ đói nghèo còn khá cao ở các vùng sâu vùng xa đặc biệt trong nhóm các dân tộc ít người [2]  và nguy cơ tái nghèo vẫn tồn tại nhất là các vùng sâu vùng xa , vùng thường bị thiên tai.

Phát triển nguồn nhân lực đã có những chuyển biến tích cực kể cả đối với các vùng sâu vùng xa, trình độ dân trí đã được nâng lên một bước. Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng công cuộc đổi mới còn nhiều hạn chế.

Nhiều cơ chế, chính sách đổi mới kinh tế xã hội đã được thực hiện thực sự là nhân tố quyết định đẻ khơi dạy các nguồn lực còn tiềm ẩn và tạo ra sức bật mứoi đưa đất nước phát triển với các mục tiêu tăng trưởng  kinh tế, xã hội và môi trường . Nhiều đạo luật đã được ban hành hoặc sửa đổi để phù hợp hơn với các yêu cầu của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế như Luật Dân sự, Luật Đất Đai, Luật Lao Động , Luật Môi Trường , Luật Thương Mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hải quan, Luật Bảo hiểm, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật cạnh tranh , Luật phá sản  và các luật về thuế… đã từng bước tạo ra môi trường pháp lý đầy đủ , đồng bộ, an toàn và thuận lợi cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh bình đẳng . Thể chế về kinh tế thị trường hàng hoá – dịch vụ, thị trường vốn , thị trường lao động , thị trường bất động sản , thị trường khoa học công nghệ ;; đang dần được hình thành và hoàn thiện đã có tác dụng khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất và dịch vụ

Hội nhập kinh tế quốc tế và kinh tế đối ngoại có nhiều tiến triển quan trọng. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh ( trên 16% / năm)   .Đặc biệt,  chính sách tự do hoá thương mại đã có tác động mở rộng  thị trường xuất khẩu, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng. Chỉ riêng giá trị xuất khẩu hàng công nghiệp đã đạt 79 tỷ đô la Mỹ ( 10 tỷ đô la năm 2000 lên 22,5 tỷ năm 2004). Chính sách tự do hoá thương mại đã tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta cùng với sự ổn định về chính trị và những thành công bước đầu trong cải cách kinh tế đã được quốc tế xác nhận , đã tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn vốn ODA và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.  Vốn ODA cam kết cho Việt nam vẫn tăng ở mức 2,5 đến 3,5 tỷ đô la Mỹ /năm trong 5 năm qua., chủ yếu đầu tư cho các chương trình dự án xoá đói giảm nghèo ở các vùng nghèo và vùng sâu vùng xa..

Tuy vậy , nhiều vấn đề xã hội vẫn đang tồn tại. Lao động và việc làm đang trở thành các vấn đề chủ đạo hiện nay. Thu nhập và năng suất lao động nhất là trong nông nghiệp còn quá thấp.Khoảng cách giũa nông thôn và thành thị càng lớn, trình độ tay nghề của đội ngũ lao động kém, lao động chưa qua đào tạo nghề còn chiếm tỷ lệ cao. Khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành cơ sở và động lực cho cho phát triển sản xuất , kinh doanh và dịch vụ.

Việt nam đã tham gia nhiều công ước và thoả thuận quốc tế như Công ước về buôn bán động thưc vật hoang dã nguy vấp (CITES) vào năm 1994,Công ước về các vùng đất ướt có tầm quan trọng quốc tế  RAMSA ( 1998), Công ước về Đa dạng sinh học ( 1994),Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, Công ước về chống sa mạc hoá vv và có nhiều đóng góp đáng kể trong việc thực hiện các công ước và thoả thuận này.

 Việc thực hiện các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế  tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng tạo không ít thách thức cho các doanh nghiệp trong nước trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường nội địa.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác có hiệu quả , tiết kiệm và bền vững và chất lượng môi trường  tiếp tục bị suy giảm cũng là những thách thức đối với ngành lâm nghiệp.

Một đặc điểm rất quan trọng là Chiến lược lâm nghiệp quốc gia được xây dựng trong bối cảnh thuận lợi khi Việt nam đã thực hiện thành công các nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản Việt nam lần thứ 9, thực hiện thành công  kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001-2005 và đang xây dựng các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt nam lần thứ X cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010 với mục tiêu đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển và cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở phát triển nhanh và bền vứng, tạo nền tảng để đẩy nhanh công nghiệp hoá , hiện đại hoá và phát triển kinh tế trí thức..

Nhiều Luật và chiến lược của các Bộ ngành có liên quan đã được Quốc Hội và Chính phủ thông qua như Luật Đất đai ( 2003), Luật Bảo vệ và phát triển rừng ( 2004) , Luật Bảo vệ Môi trường (2003) và các chiến lược quan trọng như Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo ( 2002), Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Chiến lược khoa học công nghệ vv  cung tạo thuân lợi cho việc thực hiện chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp .

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật kinh tế còn chưa đầy đủ và đồng bộ , còn thiếu nhiều văn bản pháp quy dưới luật. chưa được ban hành kịp thời và thiếu nhất quán đã gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện . Đặc biệt việc hướng dẫn tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách còn nhiều bất cập , tính khả thi thấp và sự phối hợp giũa các Bộ, ngành và các tỉnh còn yếu cũng  là các trở ngại cho việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Nhà nước Việt nam.

Công tác cải cách hành chính chậm , thiếu kiên quyết , bộ máy hành chính chậm đổi mới, kém hiệu lực và hiệu quả, năng lực của đội ngũ công chức còn nhiều bất cập , yếu kém về năng lực và phẩm chất  cũng là các trở ngại không nhỏ trong việc thực hiện các cơ chế chính sách. đề xuất trong chiến lược lâm nghiệp quốc gia cho giai đoạn tới.

Xem tiếp


[1] Tỷ lệ nghèo chung của Việt nam theo chuẩn quốc tế ( 160.000đ/ tháng/ người) giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 24,1% năm 2004 Mưc độ nghèo lương thực , thực phẩm cũng giảm từ 13,3% năm 1999 xuống còn 7,8% năm 2004 ( số liệu của TCTK 2004)

[2] Tỷ lệ nghèo chung của của vùng Đông Bắc là 31.7%, Tây Bắc là 54,4%, Bắc Trung Bộ là 41,4%, Nam Trung Bộ là 21,3% và Tây nguyên là 32,7%.( theo Điều tra mức sống hộ gia đình , TCTK 2004)