Báo cáo đánh giá một số tác động về môi trường, kinh tế, xã hội của các chính sách về buôn bán động, thực vật hoang dã (BBĐTVHD) ở Việt Nam được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2007. Mục tiêu của hoạt động đánh giá là để xác định các ưu điểm, thiếu sót và các tồn tại về nội dung, khả năng thực thi và tác động của chính sách buôn bán động thực vật hoang dã của Việt Nam đối với môi trường, kinh tế và xã hội trong thời gian qua. Dựa trên những đánh giá đó để rút ra các bài học kinh nghiệm và đưa ra các đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách quốc gia về buôn bán động, thực vật hoang dã. Các đề xuất được kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn, quản lý, sử dụng bền vững và hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu của quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam là một trong bốn nước thành viên CITES tiên phong thực hiện đánh giá chính sách về BBĐTVHD. Kết quả đánh giá sẽ được chia sẻ rộng rãi với các nước thành viên CITES và các nước quan tâm đến hoạt động đánh giá.

 Các thông tin thu thập trong báo cáo này sẽ đưa ra nhiều những thiếu sót, các thông tin về tính chưa hợp lý và hiệu quả của chính sách hơn là đưa các thông tin về các điểm mạnh và tác động tích cực. Việc đưa ra các điểm yếu nhiều hơn mạnh là nhằm giúp cho việc đánh giá đúng những thiếu sót cần phải khắc phục cho việc sửa đổi, ban hành và thực hiện một cách hiệu qua các chính sách của quốc gia về BBĐTVHD.

Kết quả  đánh giá  đã cho thấy, Việt Nam  đã xây dựng  được một hệ thống chính sách về BBĐTVHD tương đối đầy đủ ở nhiều mức độ từ chính sách, văn bản luật và dưới luật. Hệ thống chính sách về BBĐTVHD đã được ban hành tương đối sớm và luôn được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như CBD, CITES và Nghị định thư Cartagena…

Với hệ thống chính sách đó, Việt Nam đã và đang tiến tới việc quản lý được hiệu quả hơn các hoạt động khai thác, gây nuôi, xuất khẩu, nhập khẩu ĐTVHD. Số lượng động vật, thực vật có nguồn gốc từ trồng cấy nhân tạo và gây nuôi hợp pháp đã tăng nhiều trong thời gian qua. Ở nhiều nơi, hoạt động khai thác, nuôi, trồng ĐTVHD đã mang lại việc làm và thu nhập cho nhiều gia đình, nhiều cộng đồng và bước đầu góp phần vào phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

 Tuy vậy, do công tác quản lý, phát triển BBĐTVHD vẫn còn là vấn đề mới, hệ thống chính sách liên quan cũng đang được hình thành và hoàn thiện, nên không tránh khỏi những thiếu sót, bất cập, dẫn đến hiệu quả thực tế chưa được như mong muốn, hoặc các chính sách vẫn còn tản mạn, chưa thành hệ thống, với tính đồng bộ và gắn kết cao.

Hệ thống chính sách lại được ban hành liên tục trong thời gian dài nên dễ  gây  khó khăn cho công tác thực thi và theo dõi. Việc xây dựng các tiêu chí về các loài bị đe dọa cần được bảo vệ trong một số Nghị định chưa thật rõ ràng nên cũng dễ gây hiểu lầm khi khi áp dụng.  Hiệu quả thực tế của nhiều chính sách và văn bản chưa cao có thể do một số nguyên nhân như việc xây dựng các chính sách và văn bản đó vẫn thiên về hướng quản lý nhiều hơn là khuyến khích việc tìm giải pháp hài hòa giữa khai thác bền vững và bảo tồn.

Hơn thế, việc soạn thảo chính sách chủ yếu được các cơ quan quản lý và các nhà khoa học tiến hành, sự tham gia, đóng góp, tư vấn của những bên liên quan khác như: các chủ trang trại, các doang nghiệp và người sử dụng vẫn chưa được chú trọng một cách đúng mức.

Các chính sách về BBĐTVHD của Việt Nam luôn khuyến khích việc phát triển nuôi, trồng ĐTVHD để cung cấp cho nhu cầu sử dụng và buôn bán và cũng để giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên. Nhưng, trong thực tế các chính sách này vẫn thiếu các cơ chế cụ thể để giúp cho việc phát triển nuôi, trồng.

Trong thời gian gần đây, hoạt động buôn bán, nuôi, trồng ĐTVHD phát triển nhanh ở Việt Nam, nhưng vẫn phát triển theo hướng tự phát, chưa được định hướng để đảm bảo sự phát triến bền vững, không ảnh hưởng đến quần thể các loài ngoài tự nhiên, phù hợp với các quy định của luật pháp trong nước và  quốc tế  mà vẫn đem lại  thu nhập cho cộng đồng, và đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Dựa trên việc nghiên cứu và đánh giá thực tế nhiều đề xuất và khuyến nghị đã được nêu nhằm giúp cho việc hoàn thiện hệ thống chính sách về BBĐTVHD và đảm bảo các chính sách được xây dựng hài hòa giữa các mục tiêu bảo vệ,  sử dụng và phát triển bền vững.

Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị về việc xây dựng các cơ chế giám sát, đánh giá theo định kỳ việc thực thi chính sách từ trung  ương  đến  địa phương, qua  đó rút ra những kinh nghiệm để hoàn thiện, tăng cường thực thi và nâng cao tính hiệu quả của các chính sách buôn bán động, thực vật hoang dã. Bên cạnh đó, việc giáo dục cộng đồng, nâng cao năng lực  của các cơ quan thực thi pháp luật cũng là việc cần phải  tiến hành thường xuyên, dài hạn để đảm bảo hiệu quả cao nhất của các chính sách.

Báo cáo chi tiết