Hoàng Cầm[1]

 “Kiểm lâm – Nghề nguy hiểm”

Đây là tiêu đề của chương trình truyền hình được phát sóng trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Namvào ngày 12 tháng 9 năm 2005. Đó là chương trình truyền hình thuộc chuyên mục Người đương thời, trong đó những người nổi tiếng được mời đển nói về vai trò và đóng góp của họ trong việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng của xã hội Việt Nam. Khách mời đặc biệt của chương trình lần này là hai phụ nữ, chị Lê Thị Hoà, hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, và chị Phạm Thị Mỵ, một kiểm lâm viên người Thái đang làm việc dưới quyền chị Hoà. Chủ đề trọng tâm của chương trình là các vấn liên quan đến “lâm tặc”[2] và những khó khăn, nguy hiểm mà chị Hoà và các đồng nghiệp của chị đã và đang phải đối mặt trong “trận chiến” chống “lâm tặc” ở trong vùng. Theo lời kể của cả chị Hoà và chị Mỵ, trong khoảng chục năm trở lại đây, họ đã bị “lâm tặc” tấn công nhiều lần. Các “lâm tặc” sẵn sàng dùng bất cứ một loại hung  khí nào mà họ có để tấn công lực lượng kiểm lâm khi các hành vi vi phạm lâm luật của họ bị phát hiện, và nhất là khi gỗ của họ bị tịch thu. Khi người dẫn chương trình hỏi liệu hai chị có bị chùn bước trước những mối nguy hiểm mà họ đang gặp phải trong trận chiến chống “lâm tặc”, cả hai nói không, và thêm rằng họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để gìn giữ những cánh rừng ở trong vùng mãi mãi được xanh tươi.

Cả hai chị Lê Thị Hoà và Phạm Thị Mỵ đều không hề phóng đại hiện tượng “lâm tặc” ở Phù Yên trong những năm gần đây. Vào các năm 2003-2004, thời điểm tôi làm nghiên cứu điền dã ở trong vùng, “lâm tặc” thực sự là một trong những vấn đề xã hội nóng bỏng nhất ở khu vực này, thu hút sự quan tâm của các quan chức địa phương và là chủ đề của các câu chuyện hàng ngày của người dân trong vùng. Thêm vào đó, hai chị Lê Thị Hoà và Phạm Thị Mỵ cũng không hề phóng đại các cố gắng của chính quyền huyện Phù Yên trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm lâm luật. Thực tế là, từ đầu những năm 2000, chính quyền huyện đã huy động một lực lượng rất hùng hậu, bao gồm kiểm lâm, công an và nhiều cán bộ ở các phòng ban khác, để chống “lâm tặc”. Tuy nhiên, vấn đề mà hai chị và cả người dẫn chương trình không nhắc đến hay tránh bàn luận là mặc dù chính quyền địa phương đã có những cố gắng lớn như vậy nhưng hàng ngày hàng nghìn cây gỗ vẫn bị đốn ngã rồi chuyển xuống Hà Nội và nhiều địa bàn khác. Khi tôi quay lại Phù Yên vào cuối 2005, vài tháng sau khi hai chị Lê Thị Hoà và Phạm Thị Mỵ được Đài Truyền hình Việt Nam mời tham gia chương trình truyền hình Người đương thời, nhiều người dân cho biết rằng khu rừng đang xảy ra tranh chấp đã gần biến mất.

            “Lâm tặc” là một hiện tượng không mới và khá phổ biến trong lịch sử của vùng. Tuy nhiên, điểm khác biệt của hiện tượng “lâm tặc” hiện nay ở đây so với thời gian trước những năm 1990 là sự gia tăng đột biến về số lượng và các thành phần xã hội tham gia vào các hoạt động vi phạm lâm luật, cũng như sự hung hãn của nhiều “lâm tặc” khi các hành vi vi phạm lâm luật của họ bị các lực lượng quản lý tài nguyên của Nhà nước ngăn chặn. “Lâm tặc” ở trong vùng trong những năm gần đây không chỉ bao gồm những người nông dân bản địa nghèo vào rừng để kiếm cái ăn hàng ngày, mà còn có nhiều thành phần xã hội và nhiều nhóm tộc người khác. Thêm vào đó và nghiêm trọng hơn, nhiều “lâm tặc” không còn giấu các hành vi của họ để tránh bị phát hiện như nhiều nghiên cứu về chủ đề tương tự ở các nước khác đã chỉ ra.[3] Vậy thì, chúng ta có thể giải thích hiện tượng này và tính chất mới của nó như thế nào? Vì đây là hiện tượng mới xảy ra trong mấy năm gần đây nên chúng ta không thể coi sự nổi lên của hiện tượng “lâm tặc” ở trong vùng là kết quả trực tiếp của sự gia tăng dân số, nghèo đói và sự thiếu hiểu biết của người địa phương như các ngôn thuyết chính thống và truyền thống về hiện tượng này thường nhìn nhận. Vấn đề trở nên hấp dẫn hơn khi chúng ta xem xét lịch sử tộc người của khu rừng đang xảy ra tranh chấp và giá trị truyền thống của loại gỗ trong khu rừng đó. Không giống như nhiều khu rừng khác ở trong vùng, cả đất rừng và loại gỗ đang hấp dẫn “lâm tặc” ở Phù Yên hiện nay đều không được người dân địa phương quan tâm trong quá trình tìm kế sinh nhai trước những năm 1990. Đó là bởi khu rừng này không chỉ là rừng thiêng mà loại gỗ hiện đang được săn tìm cũng không được người dân sử dụng để làm nhà, các vật dụng trong gia đình và làm củi đốt. Vậy thì nguyên nhân nào đã thúc đẩy hàng nghìn người vào khu rừng này để tranh giành nhau từng cây gỗ trong khoảng chục năm trở lại đây?

Trong bài viết này, tôi cho rằng sự nổi lên của hiện tượng “lâm tặc” ở Phù Yên trong những năm gần đây là hệ quả của mối tương tác giữa sự thích ứng sinh thái của người địa phương, chính sách tài nguyên của Nhà nước và  sức mạnh của kinh tế thị trường. Việc xoá bỏ và thay thế các mô hình và quyền quản lý, sở hữu và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên truyền thống của người địa phương bằng các mô hình quản lý và sử dụng “khoa học” áp đặt từ bên ngoài vào đã tạo ra sự căng thẳng giữa người dân địa phương và các lực lượng quản lý Nhà nước về tài nguyên ở trong vùng. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam sau Đổi mới 1986 đã biến tài nguyên rừng trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế cao, từ đó dẫn đến sự tranh giành về tài nguyên có giá trị kinh tế giữa chính những người dân địa phương với nhau cũng như giữa các cư dân địa phương với những người dân ở nơi khác đến. Dưới mô hình quản lý mới, cả người dân địa phương lẫn những người đến từ bên ngoài hiện nay đều không còn bị các nguyên tắc quản lý tài nguyên của luật tục chi phối. Động thái chủ yếu của sự căng thẳng này là kết quả của sự tương tác giữa các hệ thống khác nhau về sở hữu tài sản và các quyền để khai thác tài nguyên cũng như các quan niệm khác nhau về ý nghĩa của tự nhiên giữa những người hưởng lợi khác nhau (Blaikie 1985, Blaikie và Brookfield 1987, Escobar 1999, Neuman 1999, Peluso 1992, Moore 1996, Peet và Watts 1996, Brayant 1992, Sikor 2004, Anan 1998, Swerwine 2004, McElwee 2003, 2004, và Pinkeaw 2000, 2001). Như vậy, chính sự thay đổi lịch sử về sở hữu, quản lý, bảo vệ tài nguyên và ý nghĩa của tự nhiên do tác động của các chính sách tài nguyên của Nhà nước và kinh tế thị trường đã làm cho công việc của các kiểm lâm viên Việt Nam trở thành “nghề nguy hiểm” và dẫn đến sự biến mất rất nhanh chóng của nhiều khu rừng ở trong vùng.

Tư liệu dùng để phân tích trong bài viết được thu thập trong các chuyến điền dã kéo dài từ giữa tháng 10 năm 2003 đến tháng 12 năm 2004. Tôi cũng tiến hành một số cuộc phỏng vấn thêm vào tháng 10 và tháng 12 năm 2005 sau khi chương trình truyền hình vừa nói trên được phát sóng. Tuy “lâm tặc” là một vấn đề tương đối nhạy cảm, song tôi không gặp nhiều khó khăn để nói chuyện với người dân, và thậm chí là với các cán bộ địa phương về các vấn đề liên quan đến “lâm tặc” ở đây. Nhiều người không chỉ thích thú kể lại cho tôi nghe hành vi vi phạm lâm luật của người khác mà còn sẵn sàng nói cho tôi biết những trải nghiệm trong việc vào rừng lấy gỗ của chính họ, bao gồm động cơ, sự thúc ép và cách thức họ đã và đang dùng để lấy được từng khúc gỗ ra khỏi khu rừng. Mặc dù người dân nói chuyện rất cởi mở về hành vi vi phạm lâm luật của họ, tôi sẽ thay đổi họ tên những người tôi phỏng vấn để bảo vệ quyền nhân thân của họ theo cách mà các nhà dân tộc học/nhân học vẫn hay làm.


[1] Trong quá trình hoàn thiện bài viết này, tôi đã nhận được nhiều góp ý và bình luận quý báu từ giáo sư Charles F. Keyes, Chayan Vaddhanaphuti, Thomas Sikor, Pamela McElwee, Pinkeaw Laungaramsri, và Chusak Wittayapak. Kinh phí để thực hiện đề tài nghiên cứu này do Quỹ Ford (thông qua Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam) tài trợ. Bản thảo dài hơn của bài viết này đã được in bằng tiếng Anh với tiêu đề “On being forest thieves: State resource policies, market forces and struggles over livelihood and meaning of nature and in a northwestern frontier of Vietnam”, Working paper, RCSD, Đại học Chiang Mai, Thái Lan, tháng 8, 2007.

[2] “Lâm tặc” là một từ mới được tạo ra trong tiếng Việt, được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và nhiều tài liệu của Nhà nước trong những năm gần đây. Nó được tạo thành bởi hai từ đơn tiết vay mượn từ tiếng Hán là “lâm” (rừng) và “tặc” (cướp bóc) để  chỉ những người khai thác rừng trái phép cho dù họ là các cư dân bản địa hay những người từ nơi khác đến.

Xem file đầy đủ