Lê Trọng Hải và Nhóm nghiên cứu
TT Nghiên cứu Tài nguyên và Môi Trường (CRES)

Kinh tế hộ là một đơn vị kinh tế độc lập, bình đẳng với các đơn vị khác trong hệ thống kinh tế xã hội. Tính thích ứng của hộ trong xã hội đã chứng minh được vai trò quan trọng của kinh tế hộ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Chiến lược cho phát triển kinh tế hộ trong xã hội nông thôn nói chung và các khu bảo tồn nói riêng là vấn đề thời sự và nan giải. Phát triển kinh tế luôn có tác động đối với môi trường thông qua sự cấu thành vật chất từ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sự thay đổi phương thức sản xuất chẳng qua là sự thay đổi cách tác động vào tự nhiên. Trong phát triển các khu bảo tồn, vườn quốc gia, rừng đặc dụng thì phương thức của người dân vùng đệm có ảnh hưởng không nhỏ đối với công tác bảo tồn.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Mát không phải là ngoại lệ, được thành lập vào 20/11/1994 theo quyết định 194 CP, nằm trên 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương với tổng diện tích 91.113 ha. Là khu vực có chỉ số đa dạng động thực vật đứng vào loại cao nhất nước ta hiện nay, trong đó có nhiều loài động vật quí hiếm như Sao La, Mang Lớn, Hổ.., thực vật có Trầm hương, Giáng hương, Pơ mu, Sa mộc… Năm 2001, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát được chuyển thành vườn Quốc gia Pù Mát. Vùng đệm có diện tích 100.000 ha, với hơn 50.000 người sống trong đó, hiên nay một giải pháp cho vùng đệm là vấn đề hết sức cần thiết. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem vấn đề phát triển kinh tế hộ của người dân vùng đệm có vai trò như thế nào, ảnh hưởng ra sao đối với vườn Quốc gia Pù Mát. Trong nghiên cứu này chúng tôi chọn xã Phúc Sơn, nơi có diện tích đất rừng lớn nhất của huyện Anh Sơn nằm trong vườn Quốc gia.

Phương pháp nghiên cứu chính dựa vào phương pháp thu thập số liệu thứ cấp, phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân (PRA), phóng vấn chủ hộ, cán bộ thôn xóm, xã, khuyến nông/lâmviên, nhóm sử dụng tài nguyên như phụ nữ, người khai thác các sản phẩm rừng, người buôn bán ở địa phương. Quan sát trực tiếp các hoạt động kinh tế của người dân, khảo sát theo mặt cắt sinh thái để nghiên cứu các thành phần trong hệ sinh thái nông nghiệp của hộ gia đình được chọn mẫu.

Mục tiêu của đề tài là điều tra hiện trạng kinh tế hộ gia đình, đánh giá các nguồn thu nhập, các kế sinh nhai của người dân. Tìm hiểu các hoạt động kinh tế của người dân trong vùng đệm có liên quan đến tài nguyên rừng. Tìm hiểu những khó khăn trở ngại của người dân trong các hoạt động kinh tế hộ. Đưa ra kiến nghị về các giải pháp nâng cao thu nhập bằng các hoạt động nông-lâm nghiệp, chăn nuôi, ngành nghề và dịch vụ theo hướng phát triển bền vững nhằm giảm những tác động tiêu cực đến vườn Quốc gia.

Xem chi tiết báo cáo