Lời mở đầu

Trung tâm kinh tế thứ ba của ViệtNamở miền Trung đã được thiết lập với hàng loạt các chương trình phát triển kinh tế-xã hội đang được triển khai ở hai thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng và các vùng lân cận. Việc thành lập trung tâm kinh tế thứ 3 này nằm trong chiến lược phát triển quốc gia với mục đích để làm hài hòa và tăng cường sự thống nhất trong cả nước, tránh sự phát ttriển có tính cạnh tranh và song song giữa hai thành phố lớn là Sài Gòn và Hà Nội.

Vườn quốc gia Bạch Mã (VQGBM) và vùng đệm do đó cũng nằm ngay trong lòng chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia. Hơn nữa, gần các khu vực này còn có những di tích đã được UNESCO xếp loại là di sản văn hóa thế giới (cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn). Như vậy VQGBM và vùng đệm đang ở trong một môi trường hấp dẫn đối với cuộc sống cộng đồng, nơi mà sự phát triển kinh tế và sự bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần phải được tôn trọng và quan tâm một cách đặc biệt.

Nhìn trên bản đồ hiện trạng rừng Việt Nam, chúng ta thấy rõ vùng Bạch Mã-Hải Vân là chiếc cầu nối duy nhất của một giải rừng hẹp cuối cùng còn lại của Việt Nam nối liền từ biển đến biên giới Việt-Lào và chạy dọc theo ranh giới của ba tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng. Một bằng chứng còn sót lại của sự hình thành các loài thực vật tự nhiên dành cho các thế hệ tương lai, dù rằng các thảm thực vật này không còn thuần nhất và hay bị suy thoái. Điều này càng khẳng định vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của VQGBM và vùng đệm.

Lịch sử hình thành VQGBM và vùng đệm

VQGBM chính thức được thành lập vào ngày 15 tháng 7 năm 1991 theo quyết định số 214-CT phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật VQGBM của Chủ tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên trước đây vùng này đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến và quan tâm đặc biệt bởi sự phong phú và đa dạng của các loài động vật và thực vật. Các ý tưởng biến vùng này trở thành vườn quốc gia đã có từ rất lâu.

Vào năm 1925, dưới thời pháp thuộc, một dự án xây dựng vườn quốc gia rộng 50.000 ha được đệ trình lên Bộ thuộc địa Pháp để bảo vệ loài gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi) ở vùng Bạch Mã-Hải Vân.

Điểm nghỉ mát Bạch Mã ra đời vào năm 1932 càng làm cho vùng này thêm nổi tiếng. Để phục vụ khách tham quan, 139 biệt thự và một con đường nối từ quốc lộ IA đến đỉnh Bạch Mã được xây dựng.

Năm 1962, chính quyền miền Nam ViệtNamđã có dự án xây dựng Lâm viên quốc gia Bạch Mã-Hải Vân rộng 78.000 ha. Trong thời kỳ chiến tranh, vùng núi Bạch Mã là nơi xãy ra nhiều cuộc đụng độ và tài nguyên rừng cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.

Năm 1986, nhà nước Việt Nam đã có chính sách rộng lớn về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng, nên đã thiết lập 87 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có khu bảo tồn Bạch Mã-Hải Vân. Và đến năm 1991, Luận chứng kinh tế kỹ thuật VQGBM đã được chính phủ phê duyệt. Vùng đệm VQGBM cũng ra đời từ đó. Theo đó diện tích của Vườn là 22.031 ha, ở tọa độ địa lý 16005-16016 vĩ độ Bắc; 107045-107053 kinh độ Đông và diện tích vùng đệm là 21.300 ha.

Một số giá trị của VQGBM

VQGBM ở miền Trung ViệtNamlà nơi giao lưu của hai miềnNamvà Bắc, có hai luồng ảnh hưởng là biển-đồng bằng-núi và Bắc-Nam đã tạo điều kiện dễ dàng cho sự  phát triển mạnh mẽ về đa dạng sinh học. Thêm vào các ảnh hưởng đó là tính đặc hữu quan trọng làm cho VQGBM có được một giá trị to lớn về mặt môi trường và di sản.

Mặc dù chưa được nghiên cứu đầy đủ nhưng các nhà khoa học cũng đã công nhận rằng rừng Bạch Mã có một giá trị rất quí báu về mặt bảo tồn đa dạng sinh học ở mức độ quốc gia và quốc tế. Cho đến nay, danh lục các loài của VQGBM đã được tập hợp và bổ sung, nâng số lượng các loài thực vật từ 501 loài lên 1.406 loài, các loài thú từ 55 loài lên 124 loài, các loài chim từ 150 loài lên 330 loài, 31 loài bò sát, 20 loài ếch nhái, 36 loài cá và 485 loài côn trùng. Các danh lục này mặc dù chưa được đầy đủ nhưng cũng đã cho thấy Bạch Mã có hơn 68 loài động vật và 30 loài thực vật có ghi trong sách đỏ là các loài có nguy cơ ở Việt Nam và trên thế giới.

Nói về hệ thống thủy văn, Việt Nam không phải là nước chủ động được về nguồn nước, 61% lượng nước đến từ các quốc gia lân cận qua trung gian sông Hồng và sông Mêkông, 39% còn lại do các con sông ở miền Trung cung cấp. Do đó nếu chỉ sử dụng nguồn nước trong nước thì lượng nước trung bình cho mỗi người dân chỉ là 4.000 m3/năm. Một dẫn chứng như vậy chúng ta sẽ thấy rằng lưu vực của các con sông ở miền Trung là rất quan trọng. Các con sông lớn như sông Hương với đầu nguồn là sông Tả Trạch, sông Truồi, sông Cuđê, đều bắt nguồn từ VQGBM. Đây là một trong những vùng mưa nhiều nhất và có lượng mưa cao nhất ViệtNam, lên đến trên 8.000 mm/năm. Như vậy VQGBM đã trở thành một bể chứa nước thực sự tiếp nhận một nguồn nước rất lớn vừa sử dụng cho nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất năng lượng cũng như dùng cho sinh hoạt của dân chúng.

Nằm ở một vị trí vô cùng thuận lợi, gần quốc lộ IA nối liền Hà Nội và Sài Gòn, gần các sân bay Huế và Đà Nẵng, xung quanh có những bãi biển Lăng Cô và Cảnh Dương sạch đẹp,… VQGBM đã trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái lý tưởng. Đây là một vùng đang phát triển có thể phục vụ tốt cho các nhà nghiên cứu khoa học, khách tham quan và học sinh, sinh viên các trường phổ thông, đại học Huế, đại học Đà Nẵng đến tham quan và nghiên cứu.


Môi trường kt-xh và những vấn đề VQGBM đang đối mặt

Theo quyết định số 214-CT ngày 15 tháng 7 năm 1991 của Chủ tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ) phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật của VQGBM thì vùng đệm của Vườn được tính từ ranh giới Vườn trở ra, có bề rộng nhất là 9 km và hẹp nhất là 0,5 km. Tổng diện tích của vùng đệm là 21.300 ha.

Theo đó vùng đệm của Vườn quốc gia Bạch Mã nằm ở địa phận của 9 xã và 2 thị trấn của 3 huyện Phú Lộc và Nam Đông tỉnh Thừa Thiên-Huế và Hòa Vang thành phố Đà Nẵng.

Đa số người dân sống ở các xã vùng đệm là người Kinh. Có ba cộng đồng người dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống trong vùng: người Vân Kiều ở xã Xuân Lộc, người Kà tu ở xã Thượng Lộ, Hương Phú và Hòa Bắc và một nhóm nhỏ người Mường trên đường di dân tự do từ miền Bắc vào Tây Nguyên đã đến định cư tại xã Lộc Trì. Sự có mặt của các sắc tộc đã làm cho môi trường kinh tế xã hội trong vùng thêm phong phú và phức tạp.

Tổng diện tích tự nhiên của các xã vùng đệm là 92.546 ha, trong đó rừng và đất rừng chiếm tới 66%. Có 22.031 ha thuộc quyền quản lý của VQGBM, 21.300 ha thuộc vùng đệm và 50.888 ha nằm ngoài vùng đệm. Có 3 lâm trường đang hoạt động trong vùng (Sông Nam của thành phố Đà Nẵng, Nam Đông và Phú Lộc của Thừa Thiên-Huế). Bên cạnh chức năng trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, hàng năm các lâm trường này còn khai thác một khối lượng lớn gỗ để phục vụ cho nhu cầu kinh tế quốc dân. Trên phương diện bảo tồn và phát triển, sự hoạt động của các lâm trường này đã làm thiệt hại đến môi trường và tài nguyên vùng đệm . VQGBM trong tương lai có thể sẽ biến thành một “ốc đảo” bị cô lập với các khu rừng lân cận nếu tình trạng này không được cải thiện.

Tổng dân số ở các xã vùng đệm là 62.774 người (có 1.815 người dân tộc thiểu số) gồm 12.453 hộ, bình quân mỗi gia đình có từ 5 đến 6 nhân khẩu. Hoạt động kinh tế chính của người dân ở đây làm nông và khai thác rừng bất hợp pháp. Một số nhỏ dân ở các xã thuộc huyện Phú Lộc có thêm nghề đánh cá, buôn bán và các ngành nghề dịch vụ khác.

Ngoại trừ thị trấn Phú Lộc và Khe Tre là có cơ sở hạ tầng tương đối tốt do sử dụng cơ sở hạ tầng của huyện, các xã vùng đệm còn lại hầu như cơ sở hạ tầng còn rất yếu kém. Trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, thủy lợi,… đều rất thiếu và xuống cấp nghiêm trọng.

Tuy thu nhập của người dân địa phương phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm việc thiếu đất canh tác (bình quân mỗi gia đình chỉ có 300 m2 đất nông nghiệp để sử dụng), ruộng phần lớn chỉ canh tác được một vụ do vụ kia thiếu nước, và năng suất rất thấp (bình quân 2-3 tạ/500 m2) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo của người dân địa phương tuy rằng có các hoạt động khác trợ giúp như chăn nuôi, trồng rừng, làm vườn,… Bình quân lương thực hàng năm của người làm nông nghiệp chỉ có 200 kg lúa (kể cả màu qui lúa). Việc thiếu lương thực để ăn từ 4 đến 6 tháng trong một năm của người dân địa phương là việc phổ biến từ năm này sang năm khác. Cộng thêm vào đó là nhận thức kém về tài nguyên môi trường, xem rừng như là một ưu đãi của thiên nhiên dành cho người nghèo, nên việc khai thác rừng để giải quyết kế sinh nhai trong thức tế là một điều khó tránh khỏi.

Hiện nay Vườn quốc gia Bạch Mã đang phải đối mặt với nạn khai thác rừng do có sự khó khăn về kinh tế của người dân. Đây không phải là vấn đề dễ giải quyết, bởi vì việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một việc làm mang lại thu nhập rất cao mà hầu như không cần đầu tư gì cả, chỉ bỏ công sức ra mà thôi. Do vậy đối với một bộ phận dân chúng kém hiểu biết thì họ cho rằng việc khai thác bất hợp pháp đó là một nguồn thu nhập rất quan trọng cho cuộc sống gia đình họ, một giải pháp tương đối dễ dàng để giải quyết khó khăn về kinh tế đối với người dâ nghèo khổ, còn đối với những người có đời sống khá hơn thì đây cũng là một việc làm tăng thêm thu nhập và đối với giới thanh niên thì có thêm tiền để chi tiêu. Một khó khăn rất lớn nữa là việh  khai thác rừng đã tồn tại từ rất lâu trở thành tập quán khó bỏ của người dân địa phương và các đầu mối là những người buôn bán gỗ lậu luôn có mặt ở đằng sau để khuyến khích họ.

Các hoạt động như: săn bắt động vật rừng, kiếm củi, khai thác gỗ, than, thu nhặt cây thuốc, lá nón, tìm kiếm kim loại,… trồng trọt, thả trâu bò ăn cỏ diễn ra thường xuyên là những thách thức lớn của Vườn. VQGBM thành lập được xem như là một hạn chế và trở ngại của người dân địa phương trong vấn đề khai thác các nguồn lợi kinh tế và các thái độ chống đối lại Vườn không hiếm.

Các hoạt động phát triển vùng đệm

Một trong các giải pháp có tầm chiến lược lâu dài để bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên và môi trường hiện nay mà VQGBM đang quan tâm là lồng ghép và thực hiện song song đồng thời các hoạt động ở vùng đệm: giáo dục bảo tồn và hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đệm nhằm tăng thu nhập phục vụ cuộc sống cộng đồng. Đây có thể xem như là một chương trình xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển VQGBM.

1. Hoạt động giáo dục bảo tồn trong cộng đồng

Trong điều kiện đất nước đang còn gặp nhiều khó khăn, người dân sống trong vùng đệm không chỉ nghèo mà dân trí còn quá thấp. Vấn đề nâng cao nhận thức cho các đối tượng là học sinh, cộng đồng dân cư vùng đệm chưa được quan tâm đúng mức. Từ những ngày đầu mới thành lập, Vườn cũng đã nhận thức được những vấn đề trên, nên đã đưa công tác tuyên truyền giáo dục vào thực hiện trong vùng đệm. Các hoạt động từ những năm 1990 đến nay đã từng bước cải tiến như chiếu phim tuyên truyền bảo vệ rừng (bởi vì hầu hết người dân chưa có tivi thời bấy giờ), cung cấp các khẩu hiệu, tờ bướm, ấn phẩm, lịch bảo vệ động vật hoang dã,… Tổ chức các hoạt động giao lưu với các đoàn thể địa phương, nói chuyện theo từng chủ đề, sáng tác nhiều tiểu phẩm, hội diễn văn nghệ, phối hợp với các hạt kiểm lâm trên địa bàn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên, phòng chống cháy rừng cho các em học sinh và thôn bản.

Tranh thủ sự hợp tác và trợ giúp của các tổ chức quốc tế như Hội Vườn thiên nhiên vùng Nord Pas de Calais Pháp, Chương trình bảo tồn Hổ của WWF Đông Dương, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu,… VQGBM đã triển khai hàng loạt hoạt động giáo dục bảo tồn như:

– Triển khai ấn phẩm “cây là bạn của chúng ta”trên toàn bộ trường học trong vùng đệm và được dư luận hoan nghênh và hiện nay đã được mở rộng trên phạm vi các vườn quốc gia trong cả nước.

– Thiết lập các câu lạc bộ xanh ở các trường học với các hoạt động cụ thể là tiến hành tập huấn giáo viên, phát hành sách “Câu lạc bộ xanh”, tập vở thiên nhiên, huy hiệu câu lạc bộ, bàn giao các dụng cụ hỗ trợ, thi sáng tác tranh “màu xanh quê em”, tuyên truyền cổ động bảo vệ động vật hoang dã, biểu diễn văn nghệ quần chúng với chủ đề về bảo vệ rừng, viết tập san câu lạc bộ xanh, trồng cây xanh trong trường học và tham quan dã ngoại ở VQGBM. Hoạt động này lấy đối tượng học sinh là trung tâm chuyển tải nhận thức, hành vi và trách nhiệm bảo tồn cho cộng đồng.

– Tổ chức các buổi chiếu phim tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã nhân các ngày lâm nghiệp Việt Nam 28. 11, ngày đa dạng sinh học 26. 12 và ngày môi trường thế giới 5.6. Bên cạnh đó, Vườn cũng đã in ấn và phát hành 3.200 cuốn vở học sinh và 50.000 nhản vở có nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn làm phần thưởng cho các em học sinh vùng đệm. Tổ chức các hội thi tìm hiểu và tham gia bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Bạch Mã cho các đối tượng là học sinh và các hội viên hội phụ nữ các xã vùng đệm

– Cũng trong phạm vi của sự trợ giúp từ các tổ chức quốc tế, Vườn đã tổ chức nhiều khóa tập huấn về bảo tồn đa dạng sinh học cho địa phương, tổ chức định kỳ hàng tháng các cuộc tiếp xúc, giao lưu và tọa đàm với cộng đồng từng thôn bản trong vùng đệm về các chủ để có liên quan đến bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, xây dựng mô hình khoán bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng ở thôn Khe Su.

2. Hoạt động trợ giúp phát triển kinh tế-xã hội vùng đệm

Hoạt động trợ giúp phát triển kinh tế-xã hội vùng đệm phải hướng đến mục tiêu là phát triển bển vững. Điều này có nghĩa là phát triển sao cho việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai. Và chính vì thế trong quá trình triển khai các chương trình phát triển vùng đệm phải luôn nắm vững các nguyên tắc của bảo tồn và phát triển như:  tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng; cải thiện chất lượng cuộc sống của con người gắn với bảo vệ sức sống và tính đa dạng sinh học, quản lý tốt nguồn tài nguyên không tái tạo được, thay đổi tập quán và thói quen cá nhân, để cho cộng đồng làm chủ môi trường của họ.

Dựa trên nguyên tắc trên, Vườn đã triển khai một số các hoạt động phát triển cộng đồng và thông qua đó để giáo dục bảo tồn như: trồng rừng phục hồi hệ sinh thái bằng nhiều loài cây bản địa nhiều mục đích, chuyển giao kỹ thuật nuôi ong, trồng nấm, gieo ươm cây có nguồn gốc tại chổ để phục vụ công tác trồng rừng và khai thác tiềm năng sẳn có của địa phương phục vụ cuộc sống con người. Một số mô hình vườn cây kinh tế, cải tạo vườn tạp, 327, 5 triệu ha rừng,… đang được triển khai ở nhiều nơi trong vùng đệm.

Cũng nhờ sự trợ giúp về kỹ thuật và kinh phí của chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) và Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Đức (DED) thông qua sự điều phối với các tổ chức quần chúng trên địa bàn, một số mô hình sản xuất tăng thu nhập cho cộng đồng được áp dụng cho các điểm nóng trong vùng. Đó là các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng tối đa tiềm năng hạn hẹp của đất đai để sản xuất nông nghiệp, mô hình sử dụng bếp tiết kiệm củi trong cộng đồng.

Hiện nay, Vườn đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khảo sát các điểm du lịch sinh thái trong vùng đệm để có thể giúp cộng đồng khai thác, quản lý và thu hồi nguồn lợi từ các điểm du lịch này. Đây có thể nói là một hoạt động rất mới và rất quan trọng đang được cộng đồng và chính quyền địa phương ủng hộ tích cực.

Ngoài các hoạt động giáo dục bảo tồn và trợ giúp phát triển kinh tế-xã hội vùng đệm, cũng cần có một sự quan tâm đặc biệt hơn nữa để có thể khuyến khích cộng đồng cùng tham gia với Vườn trong công tác bảo tồn Vườn. Đó chính là mô hình bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng ở các địa bàn khác nhau trong vùng đệm. Hàng năm, dựa vào chương trình khoán bảo vệ rừng của nhà nước, VQGBM đã vận dụng chuyển giao từ 6000-6500 ha rừng cho người dân vùng đệm quản lý bảo vệ. Các đối tượng tham gia vào chương trình này rất đa dạng, đó chính là các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, cá nhân từng người dân tham gia nhận khoán, từng cộng đồng thôn bản tham gia nhận khoán để phát huy sức mạnh tập thể trong công tác bảo vệ rừng. Việc xây dựng và  trình chính quyền địa phương phê duyệt qui chế bảo vệ và phát triển rừng cho cộng đồng hiện nay đang được triển khai thí điểm ở một vài nơi trong vùng đệm.

Có thể nói đã có rất nhiều sự trợ giúp cho người dân vùng đệm từ phía nhà nước cũng như các tổ chức quốc tế, kể cả từ phía Vườn quốc gia cũng như từ phía chính quyền địa phương,… Sự trợ giúp cả về mặt tài chính cũng như kỹ thuật, cho cá nhân cũng như mang tính cộng đồng nhằm nâng cao được mức sống cũng như nhận thức của người dân và cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số là quá lớn, lao động vẫn tiếp tục bị dư thừa thì những công ăn việc làm được tạo ra cho người lao động do các sự trợ giúp mang lại còn thiếu rất nhiều. Và vì nhiều lý do nữa, sức ép của người dân vào các khu rừng trong vùng vẫn cứ tăng lên.

Một số đề nghị cần thảo luận

Rõ ràng cộng đồng vùng đệm đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự bảo tồn và phát triển của VQGBM do vị trí đặc thù của nó. Do vậy việc quan tâm đến vùng đệm và cộng đồng vùng đệm là vấn đề mà nhà nước nên quan tâm hàng đầu.

1. Cần xác định lại ranh giới vùng đệm của Vườn. Mặc dù phạm vi và diện tích vùng đệm đã được xác định trong quyết định phê duyệt luận chứng của Vườn, nhưng trong thực tế ranh giới của vùng đệm vẫn chưa thể hiện rõ ràng. Điều này đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý và phối hợp quản lý vùng đệm của Vườn. Cần thiết phải có được những qui chế, qui định rõ ràng về vùng đệm từ phía nhà nước.

2. Vùng đệm phải được xem như là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho các KBTTN nói chung và VQGBM nói riêng. Vì vậy chính sách cho phát triển kinh tế xã-hội ở vùng đệm phải ưu tiên hơn. Các chính sách này cần phải đảm bảo công ăn việc làm cho dân sống tại vùng đệm: ăn, mặc, ở, tạo các lâm sản làm chất đốt. Không được di dân từ các nơi khác đến vùng đệm.

3. Nạn thất nghiệp là một trong những nguyên nhân chính của việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Vườn. Do vậy sự phát triển mạnh của các hoạt động kinh tế các vùng xung quanh Vườn chắc chắn sẽ tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho dân địa phương và như vậy sẽ làm giảm gánh nặng cho Vườn. Sự trợ giúp của các tổ chức trong và ngoài nước nếu chỉ tập trung vào một vài vùng trọng điểm sẽ mang lại hiệu quả hơn và tạo cơ sở cho sự trợ giúp các vùng khác.

4. Các chiều hướng tích cực do các hoạt động của con người phụ thuộc phần lớn vào cách mà người ta thực hiện các dự án hơn là chính các dự án đó. Ví dụ việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng đệm sẽ cho phép bảo vệ được và làm tăng thêm diện tích có rừng ở vùng đệm. Tuy nhiên, các hình thức khai thác này cần phải có sự tham gia của người dân địa phương để những người dân này phải xem rừng không phải là nơi để cướp phá mà là nơi có nguồn tài nguyên bền vững có lợi cho cộng đồng. Nhà nước cũng cần ban hành các chính sách ưu tiên cụ thể để khuyến khích cộng đồng và chính quyền địa phương các cấp cùng tham gia kết hợp với Vườn trong việc bảo tồn và phát triển rừng trên địa bàn.

 ThS. Huỳnh Văn Kéo

KS. Lê Văn Lân

Vườn quốc gia Bạch Mã