Tô Xuân Phúc
Khoa Nhân học, trường Đại họcToronto,Canada

Nằm cách Hà Nội khoảng 60 km về phía Tây Bắc, Hợp Sơn là xóm nhỏ người Dao với 104 hộ và khoảng 500 khẩu. Xóm nằm tại chân núi Ba Vì, thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Vì[1]. Khi tôi đến xóm lần đầu tiên vào đầu năm 2003, xóm dường như giống như các xóm vùng cao khác nơi tôi đã từng đến. Các hộ gia đình sống trong những ngôi nhà nhỏ, trong nhà là các vật dụng giản đơn như những bộ bàn ghế mộc mạc, màn chiếu cũ kỹ. Người dân trồng lúa nước tại các thung lũng nơi sẵ có các nguồn nước. Bên cạnh đó, họ trồng sắn và dong riềng trên đất của Vườn Quốc gia (VQG). Các hộ trong xóm hầu như không có nguồn thu nào khác ngoài thu nhập từ nông nghiệp. Cả xóm lúc đó (2003) mới chỉ xuất hiện 2 cửa hàng tạp hóa nhỏ cung cấp các vật dụng đơn giản như mắm, muối, mì chính cho các hộ trong xóm. Một vài hộ khá giả trong xóm đã mua được xe máy. Vào lúc đó, xe máy được coi là một loại tài sản quý của hộ.

Khi tôi quay lại xóm vào cuối năm 2004, tôi thực sự bất ngờ trước những đổi thay to lớn trong xóm. Các ngôi nhà mới với mái ngói đỏ tươi rói, tường xanh hoặc vàng mới được mọc lên. Công nông chở gạch, ngói xi măng tất bật ngược xuôi trên con đường nhỏ của xóm. Gạch, cát, vôi, v.v.  nằm chờ bên cạnh con đường nhỏ của xóm làm cho con đường trước kia đã hẹp nay lại càng hẹp lại. Âm thanh của công nông pha lẫn với các âm thanh khác của của xe máy, máy ủi, máy xúc, các giàn máy ghe nhạc của một số quán karaoke mới mọc lên phá tan cái bầu không gian yên tĩnh trước đây của xóm. Một số cửa hàng mới trong xóm đã mọc lên. Tại nơi đây,  người dân có thể mua một số vật dụng cao cấp và đắt tiền có bày bán tại các siêu thị tại Hà Nội hoặc ở một số tỉnh đồng bằng như quạt điện, nồi cơm điện, máy bơm nước.  Vào cuối tuần, xóm trở lên tấp nập hơn những ngày bình thường bởi sự xuất hiện của các đoàn khách sang trọng đến xóm bằng những chiếc xe con bóng loáng có biển số đăng ký của Hà Nội hoặc Hà Tây, đôi khi là Hải Phòng.

Những đổi thay to lớn trong xóm là do có sự xuất hiện của thị trường đất đai tại đây. Vào cuối năm 2003, các hộ tại Hợp Sơn bắt đầu bán những mảnh vườn của mình cho những người chủ yếu là từ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây. Người dân trong xóm thường gọi những người mua đất bằng cái tên “người thành phố”. Đến cuối năm 2004, khoảng 70 các hộ trong xóm đã bán đất. Một nửa trong số họ bán cho người thành phố,  nửa còn lại được bán cho các hộ khác trong xóm những người mà đã bán hết đất bao gồm cả nhà của mình. Để có đất làm nhà mới, họ buộc phải mua đất của các hộ khác. Một số hộ bán phần lớn diện tích, chỉ giữ lại một mảnh đất nhỏ, chỉ đủ để xây nhà và thừa lại một chút đất xung quanh được coi là vườn. Cho đến cuối năm 2004, hầu hết các mảnh vườn rộng nằm ở vị trí và đẹp thuận lợi cho việc đi lại đã được bán cho người thành phố. Các hộ trong xóm thường xây nhà trên những mảnh đất hẹp, và thường xa đường giao thông, đi lại thường kém thuận tiện.

Tính đến nay, mặc dù đã mua được 3 năm, hầu hết những thành phố vẫn chưa sử dụng những mảnh vườn. Đi trên con đường của xóm, một điều ai cũng có thể dễ dàng nhận ra các mảnh đất của người thành phố. Thông thường đây là các mảnh đất nằm kề ngay bên đường đi. Xung quanh các mảnh đất này thường được bảo vệ bởi hàng trăm cột bê tông cao khoảng 1-1,5 m được trôn cố định trên mặt đất. Các cột được nối với nhau bằng hàng rào dây kẽm gai chạy xung quanh các mảnh vườn. Người thành phố làm việc này nhằm ngăn không cho người ngoài và trâu bò xâm nhập vào mảnh đất của mình. Thông thường, phía bên trong của hàng rào là những ngôi nhà nhỏ trước kia của người dân, với cửa được đóng im ỉm. Xung quanh các ngôi nhà này thường là các nương chè bỏ hoang, hoặc cỏ dại. Hỏi bất cứ người dân nào trong xóm về người chủ của những mảnh đất đất này, tôi thường nhận được những câu trả lời như: “Mảnh đó là mảnh của ông… thuộc phố Đội Cấn… Mảnh phía bên trái là của bà … thuộc Cục Thú Y…. Phía sau của mảnh đó là của ông… nhà báo ở Hà Nội…” Nhìn chung, người thành phố đã mua hết những mảnh đất rộng ở những địa thế đẹp, để lại cho người dân trong xóm những mảnh đất nhỏ, thông thường nằm xa đường đi không thuận tiện về giao thông.

Những gì đang diễn ra tại xóm Hợp Sơn là tiến trình thay đổi về cảnh quan và cấu trúc không gian nông thôn miền núi từ. Cụ thể hơn, đó là tiến trình thay đổi nông thôn từ chức năng sản xuất sang chức năng tiêu thụ (Rigg 2001). Trong bài viết này tôi sẽ tập trung phân tích bản chất của sự thay đổi và các tác động nó tới các mối quan hệ xã hội tại xóm. Bài viết xoáy vào một số câu hỏi như yếu tố nào đã làm hình thành thị trường đất đai tại xóm, tác động của thị trường này đối với việc phân chia lợi ích, rủi ro, và mâu thuẫn  giữa các thành viên tham gia thị trường như thế nào. Trước khi trả lời các câu hỏi này tôi sẽ  trình bày một số kết quả nghiên cứu trước đây về tiến trình thay đổi miền núi cũng như mối liên kết giữa miền núi và đồng bằng tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Biến đổi tại miền núi và kết nối nông thôn – thành thị vùng Đông Nam Á

Trước đây nhiều người quan niệm rằng miền núi vùng Đông Nam Á là nơi chỉ sinh sống của những dân người bản địa với cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, mê tính, những người chỉ biết sống dựa vào rừng (Poffenberger 1990, Li 1999). Quan điểm này trước kia cũng rất thịnh hành ở ViệtNam. Trong một nghiên cứu tại Việt Nam, Terry Rambo (1995) có đưa ra nhận xét rằng người miền núi thông thường được coi là những người sống biệt lập, có cuộc sống nghèo khó. Cũng theo nghiên cứu này, nhiều người đã quan niệm rằng vùng núi là nơi chỉ có khả năng đáp ứng cho những cộng đồng địa phương với những tập tục lạc hậu sống dựa và canh tác nương rãy (Rambo 1995: xvii). TạiIndonesia, thông thường những cộng đồng dân tộc sống ở miền núi được coi là những người dốt nát. Cuộc sống của họ được cho rằng được gắn liền với sự phá rừng (Li 1999). Quan niệm như vậy cũng tồn tại tại Thái Lan (Vandergeest 1996).

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu gần đây đã làm thay đổi những quan niệm về người miền núi nói riêng và vai trò của miền núi nói chung. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng miền núi đang có những đổi thay to lớn dưới tác động của các yếu tố thị trường (ví dụ như nghiên cứu của Li 1999, 2002; Suryanata 1999; Sikor và Phạm 2005; Hefner 1990). Trong tiến trình thay đổi, thị trường trong nước và quốc tế về nông sản và sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp đóng vai trò động lực từ bên ngoài (Li 2002). TạiIndonesia, người dân vùng núi Salawesi tham gia vào thị trường quốc tế về các sản phẩm của cây cocoa (Li 1999, 2002). Tại ViệtNam, bà con dân tộc vùng Tây Nguyên tham gia mạnh mẽ vào sản xuất cà phê nhằm mục đích xuất khẩu (Tan 2000). Lê và Rambo (2001) quan sát thấy tại miền núi của ViệtNamkhông có một cộng đồng nào lại có thể tồn tại được nếu không tiếp cận được thị trường. Các tác giả này đã chỉ ra rằng: “Thậm chí cả những cộng đồng nghèo ở vùng sâu vùng xa nhất cũng tham gia vào quá trình mua bán để có những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống” (Lê và Rambo, trang 202). Điều này có thể cho thấy người dân miền núi không chỉ đơn thuần có có cuộc sống bó hẹp mà họ đã có những tương tác rất đáng kể với thế giới bên ngoài, bao gồm cả vùng đồng bằng và thậm chí cả thị trường quốc tế.

Về một góc độ nào đó, sự kết nối giữa miền núi và đồng bằng có thể được đặt trong bối cảnh của liên kết giữa nông thôn và thành thị. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị ở vùng Đông Nam Á, Rigg cho rằng “hiện đang có một quá trình chuyển dịch trong nông thôn và sự chuyển dịch này có ảnh hưởng rất lớn tới các tương tác về mặt xã hội, không gian, và kinh tế giữa hai vùng này” (2001, xiv). Quá trình chuyển đổi này được tạo ra bởi hai động lực chính, đó là tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tại các nước. Theo tác giả, chức năng của vùng nông thôn hiện đang bị chuyển hóa từ sản xuất sang tiêu dùng. Sự chuyển dịch này thường sản sinh ra các kết quả khó dự báo trước. Nó cũng làm lu mờ ranh giới giữa thành thị và nông thôn. Hơn nữa, chuyển dịch này cũng làm thay đổi quan niệm thường cho rằng nông thôn và thành thị có sự khác biệt lớn về mặt kinh tế và xã hội. Theo nghiên cứu của Rigg, trong điều kiện hiện nay ranh giới giữa nông thôn và thành thị không còn sâu sắc như trước kia, bởi vì sự giao lưu giữa nông thôn và thành thị đã làm xuất hiện tại vùng nông thôn những tầng lớp xã hội mới với những mối quan tâm mới.

Tương tác giữa thành thị và nông thôn làm biến đổi cả hai vùng. Đã có nhiều tác giả nghiên cứu về ảnh hưởng của mối liên quan giữa thành thị và nông thôn đặc biệt là ảnh hưởng thị trường sản phẩm đối cấu trúc, quan hệ xã hội, và quan hệ về sử dụng và quản lý tài nguyên tại cộng đồng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tương tác này đã tạo ra phân hóa giàu nghèo và làm xuất hiện các mâu thuẫn (Li 2002, Sikor và Phạm 2005). Tại Việt Nam, Lê và Rambo (2001) quan sát thấy quá trình hội nhập miền núi với miền xuôi đã làm cho một số cộng đồng vùng cao bị gạt ra ngoài lề. Cũng theo nghiên cứu này, sự hội nhập giữa hai miền cũng làm mất đi các các giá trị truyền thống và các tập tục của cộng đồng. Nghiên cứu của Li (2002) tại miền núi của In-đô-nê-xia cũng chỉ ra rằng sự phát triển của thị trường Quốc tế về sản phẩm quả cocoa đã dẫn tới việc người dân miền núi bắt buộc phải bán đất của mình cho những người nhập cư hoặc người giàu từ bên ngoài cộng đồng. Kết quả của quá trình này là người dân vùng cao bị mắc nợ và thường trở thành người không có đất. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng thông thường mặc dù người dân không muốn tham gia vào vòng xoáy của thị trường, nhưng họ không còn cách nào khác. Bổ sung cho ý kiến này, Suryanata (1994, trang 1568) cũng quan sát thấy người ra thường có “quá ít ảnh hưởng tới tiến trình hình thành thị trường”. Mãnh lực của thị trường có thể mạnh đến mức mà có thể lôi kéo sự tham gia hoặc gạt bỏ những cộng đồng, vùng, hoặc thậm chí cả các quốc gia (Li 2002, trang 419). Các thiết chế tại các cộng đồng thường quá yếu để có thể hình thành những hành động tập thể nhằm xác định, kìm hãm, hoặc điều tiết quá trình phân hóa xã hội gây ra bởi thị trường (cùng nguồn trích dẫn). Phần dưới đây tôi sẽ phân tích sự hình thành thị trường đất đai tại xóm Hợp Sơn và tác động của nó tới cấu trúc xã hội và quan hệ xã hội của cộng đồng. Trước khi phân tích, tôi sẽ đề cập đôi nét tới lịch sử hình thành cộng đồng nơi tôi thực hiện nghiên cứu.

Lịch sử hình thành cộng đồng nghiên cứu

Hợp Sơn là một xóm người Dao nằm trong vùng đệm của VQG Ba Vì. Hiện nguồn sống chính của các hộ dân tại đây là canh tác nương rãy, ruộng nước, và chăn nuôi. Diện tích đất canh tác bình quân của các hộ rất thấp. Khi nhiều nơi khác ở miền núi không chịu sử quản lý của chính quyền Pháp thuộc cũng như chính quyền địa phương sau giải phóng về cách thức sử dụng, quản lý nguồn tài nguyên rừng (Nguyễn Văn Thắng, trích trong Poffenberger 1998), các cộng đồng xung quanh núi Ba Vì lệ thuộc rất nhiều vào chính quyền Pháp thuộc và chính quyền địa phương sau giải phóng trong việc sử dụng nguồn tài nguyên rừng. Những lợi thế về cảnh quan đồi núi, sông nước, và nằm gần với thủ đô đã làm tạo cho vùng rừng núi Ba Vì có những nét rất riêng về mặt hệ thốgn quản lý. Trong giai đoạn Pháp thuộc, nơi đây là một trong số các điểm nghỉ mát của chính quyền thực dân (Reed 1995; Sowerwine 1998). Người Pháp đã xây dựng khoảng 200 biệt thự tại núi Ba Vì làm nơi nghỉ mát vào mùa hè (Sowerwine 2004). Để duy trì cảnh quan sinh thái, người Pháp không cho phép việc chặt pháp cây rừng. Họ thuê nhân công trồng cây (chủ yếu là thông) trên các diện tích đất trống. Người dân cũng bị hạn chế phát nương làm rãy.

Sau khi dành độc lập từ tay thực dân, Nhà nước đã chuyển đổi vùng núi Ba Vì  thành khu bảo tồn thiên nhiên và đặt tên là Rừng cấm Ba Vì. Rừng cấm được hình thành từ năm 1977, theo đó toàn bộ diện tích rừng nằm từ độ cao 400 m trở lên (hay còn gọi là cốt 400) được xác định là diện tích của Rừng cấm. Việc quản lý Rừng cấm được giao cho Lâm trường Ba Vì. Đầu năm 1991, Chính phủ quyết định mở rộng diện tích Rừng cấm lên gấp 3 lần. Toàn bộ diện tích đất nằm từ cốt 100 trở lên trên được xác định là thuộc Rừng cấm. Vào cuối năm đó, Chính phủ quyết định đổi tên Rừng cấm Ba Vì thành VQG Ba Vì. Ngay sau khi hình thành VQG, Chính phủ quyết định chuyển chức năng quản lý vùng rừng núi Ba Vì từ Lâm trường Ba Vì sang một cơ quan mới thành lập, đó là Ban quản lý VQG Ba Vì. Hiện nay, bên cạnh chức năng bảo tồn thiên nhiên, VQG còn  trở thành địa điểm du lịch sinh thái. Hàng năm, VQG đón khoảng  nửa triệu khách, chủ yếu tập trung vào mùa hè. Phần lớn trong số khách là người Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng nằm tiếp giáp với Hà Tây (trích từ giới thiệu VQG Ba Vì)

Việc hình thành Rừng Cấm và VQG sau này đã tác động rất lớn tới sinh kế của những người dân sống trong hoặc gần VQG. Trước khi hình thành Rừng cấm, những người dân Dao ở đây thường cu trú tại những vị trí cao, với nương rãy là phương thức sinh sống chính. Việc mở rộng diện tích Rừng cấm và chuyển đổi thành VQG đã làm cho những hộ người Dao phải di dời xuống nơi dưới cốt 100. Sự di dời này được thực hiện trong khuôn khổ của chương trình tái định cư của nhà nước. Quá trình này bắt đầu diễn ra từ 1991 đến 1994. Tổng số 87 hộ gia đình từ xóm cũ có tên là Hợp Nhất được chuyển xuống địa điểm mới là xóm Hợp Sơn hiện nay. Chính quyền địa phương cắt 97 ha đất của Lâm trường Ba Vì để chia cho các hộ gia đình mới chuyển đến nhằm tạo điều kiện cho các hộ ổn định về đất vườn và đất thổ cư. Trên đất giao cho các hộ thường có thông, bồ đề, sơn và một số nương chè của Lâm trường. Theo như kế hoạch của chính quyền địa phương, mỗi hộ gia đình khi chuyển đến địa điểm mới được nhận 1 ha đất để canh tác (đất vườn) và làm nhà (đất thổ cư). Tuy nhiên, các hộ chuyển xuống trước thường nhận các mảnh đất rộng, nằm ở những vị trí thuận lợi, tiện cho việc đi lại. Các hộ chuyển đến sau thường phải nhận những mảnh đất nhỏ hơn và thường nằm ở các vị trí không thuận lợi.

Tại Hợp Sơn, hưởng dụng đất không đồng nghĩa với hưởng dụng các cây ở trên mảnh đất đó. Trong khi đất được chia cho các hộ mới chuyển đến và sau này trở thành tài sản của hộ, cây ở trên các mảnh đất đó lại thuộc về Lâm trường Ba Vì. Lâm trường không cho không các hộ mà  quy đổi toàn bộ số cây này bao gồm cả 4.3 ha thông (khoảng 1,600 cây vào thời điểm đó) ra tiền mặt[2]. Hộ nào nhận phần đất trên đó có cây thì phải trả tiền cho Lâm trường khi khai thác số cây đó. Tuy nhiên, vào thời điểm đó thay vì trực tiếp đòi tiền từ các hộ, Lâm trường cho các hộ nợ lại và giao trách nhiệm đòi nợ các hộ cho hợp tác xã Ba Vì (HTX)[3]. Quyền quản lý số cây này được Lâm trường giao cho HTX. Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù đến nay hầu hết các hộ đã khai thác cây trên đất của mình, không ai trả tiền cho HTX[4]. Năm 2001, nhằm hợp pháp hóa quyền sử dụng đất cho các hộ, Uỷ ban Nhân dân huyện Ba Vì đã tiến hành cấp sổ đỏ cho các hộ tại Hợp Sơn. Điều này làm nảy sinh một loạt mâu thuẫn sẽ được đề cập ở phần sau của bài viết này.

Tự do hóa thị trường và đô thị hóa trong nông thôn

Ở nước ta, tiến trình đổi mới bắt đầu từ những thập kỷ 80 đánh dấu một sự chuyển đổi to lớn từ kinh tế mệnh lệnh tập trung sang kinh tế thị trường và kết quả của nó là sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế. Từ nửa sau của thập kỷ 90 trở đi, nền kinh tế phát triển đột phá đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Song song với nó là quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt. Tỷ lệ dân số sống tại đô thị tăng từ 19.4% năm 1989 lên 23.5% năm 1999 và theo như dự báo thì đến năm 2010 tỷ lệ này sẽ là 30% và đến năm 2020 sẽ là 45% (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, NCSSH 2001).

Quá trình đô thị hóa trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng làm tăng nhu cầu về đất nhà ở, đất ở, và đất để thực hiện các dự án phát triển tại các thành phố và cac vùng lân cận. Thành phố Hà Nội mở rộng ra tất cả mọi phía, hình thành lên các khu đô thị mới tại các địa bàn xung quanh thành phố. Điều này làm cho giá đất tăng một cách chóng mặt. Giá đất thông thường trong nội thành biến động khoảng 500 – 1000 đô la/m2. Với số tiền này, người ta có thể mua một mảnh đất vài chục m2 vào đầu những năm 90. Nhiều nơi ở ven đô người dân chuyển đổi từ đất vườn và đất nông nghiệp sang đất thổ cư để bán và thu được nguồn thu rất lớn từ bán đất (xem trong xuất bản của Kerkvliet, 2001). Vào cuối những năm 90 hình thành làn sóng những người khá giả tại Hà Nội đổ xô ra các vùng nông thôn ven đô để mua đất vườn và đất rừng nhằm xây dựng trang trại tại đó. Nếu ai đó đi qua vùng đồi núi Lương Sơn tỉnh Hòa Bình đều có thể bắp gặp hàng trăm trang trại nuôi gà, lợn ở đây. Hỏi những người làm việc tại các trang trại này thì được biết họ chỉ là những người địa phương làm thuê, còn chủ thực sự của các trang trại này là người Hà Nội hoặc nơi khác như Hà Đông, Sơn Tây.

Ở nước ta, tăng trưởng về kinh tế đi kèm với các vấn đề về môi trường. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, ô nhiễm cùng với sự gia tăng số lượng xe và các thiết bị công nghiệp đã làm hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân. Báo cáo Phát triển Con người chỉ ra rằng, “mức độ ô nhiễm không khí vượt xa từ 2 – 5 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Các chất ô nhiễm công nghiệp… thường vượt quá giới hạn từ 2 – 3 lần so với tiêu chuẩn… Các chất thải sinh hoạt và công nghiệp được chôn ở những nơi không được xử lý và điều này gây ra ô nhiễm nghiêm trọng….” (NCSSH 2001, trang 67).

Phát triển kinh tế cộng với sự xuống cấp về môi trường tại đô thị đóng vai trò động lực cho một bộ phận người dân khá giả sống tại đô thị đi tìm kiếm đất tại các vùng nông thôn, nơi có môi trường tốt hơn để nơi nghỉ ngơi. Cũng vào cuối thập kỷ 90, nhu cầu về đất tại các vùng nông thông tăng mạnh mẽ. Ví dụ tại huyện Sóc Sơn của Hà Nội (khoảng 30 km từ trung tâm Thành phố), hàng trăm ha đất rừng đã được bán cho những người khá giả tại Hà Nội, trong đó bao gồm cả một số quan chức và người nước ngoài (vnexpress 2004)[5]. Những biệt thự cao cấp (còn được gọi dưới cái tên là phủ) được trang bị các thiết bị sinh hoạt hiện đại như bể bơi, lò sưởi, gara ô tô, hồ nước nhân tạo mọc lên như nấm tại nơi đây. Nhu cầu của người dân thành thị về đất đai tại các vùng nông thôn đẩy giá đất tăng đột biến. Nếu vào đầu năm 2003 mỗi m2 đất tại Sóc Sơn chỉ được bán với giá 50 nghìn đồng thì cuối năm giá đã tăng lên 10 lần (vnexpress 2004). Thị trường đất đai nở rộ tại một số vùng nông thôn bao gồm cả một số địa bàn miền núi làm thu hẹp khoảng cách về mặt không gian giữa nông thôn và thành thị. Bên cạnh nhu cầu đất đai cho nhà ở và nghỉ dưỡng, một diện tích đất lớn tại vùng nông thôn được chuyển sang đất để xây dựng các khu công nghiệp.

Tự do hóa thị trường và thị trường đất đai tại Hà Tây

Hà Tây là một tỉnh được biết đến với các lợi thế như điều kiện cơ sở hạ tầng tốt, lực lượng lao động sẵn có[6], nằm ở cự ly gần với sân bay và cảng. Đây là những lợi thế để biến tỉnh trở thành một trong những tỉnh nhận được đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong cả nước (Nguồn: Tổng cục Thống kê 2002). Cũng chính vì thế mà Hà Tây được lựa chọn là nơi thực hiện một loạt các chương trình trọng điểm mang tầm Quốc gia. Ví như trong năm 1998, Chính phủ bắt đầu thực hiện dự án khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc tại khu đô thị Miếu Môn. Dự án sử dụng 1,650 ha đất tại huyện Thạch Thất (xem Bản đồ 1) nơi nằm cách VQG Ba Vì khoảng 15 km. Cũng vào thời điểm đó, Chính phủ đầu tư làm đường cao tốc Láng-Hòa Lạc nối liền Hà Nội với khu công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa Hà Nội và các huyện của Hà Tây. Năm 1995, 1000 ha tại huyện Thạch Thất được đưa vào để xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội[7]. Năm 1997, Chính phủ phê duyệt dự án tiền khả thi cho dự án Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Dự án này cũng phải sử dụng 900 ha đất tại một số xã thuộc vùng đệm của VQG[8]. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có kế hoạch xây dựng một loạt các khu đô thị trong địa bàn tỉnh cho đến năm 2010[9]. Đó là chưa kể đến kế hoạch xây dựng thêm một sân bay Quốc tế tại khu Miếu Môn[10]. Tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra một các hết sức mạnh mẽ tại Hà Tây.

Bản đồ 1. Tỉnh Hà Tây và các huyện

Hà Tây cũng là một trong những điểm đến của khách du lịch. Kể từ cuối thập kỷ 90, các địa điểm du lịch và sân gôn được mọc lên rất nhiều tại một số địa bàn có điều kiện thiên nhiên ưu đãi bao gồm cả VQG Ba Vì. Nhiều diện tích đất trong VQG đã được cấp cho các công ty du lịch để thiết lập các khu du lịch sinh thái. Nhu cầu về đất nông thôn của dân thành phố sử dụng làm nơi nghỉ ngơi giải trí đã xuất hiện ở huyện Ba Vì vào giữa những năm 90 và điều này đẩy giá đất ở một số địa bàn của huyện bàn tăng khoảng 5 đến 6 lần so với giá đất năm 1992.

Thị trường đất đai tại Hợp Sơn

Sự hình thành của thị trường và xu hướng đầu tư

Thị trường đất đai bắt đầu hình thành tại xóm Hợp Sơn vào cuối năm 2003. Trong vòng một năm, khoảng 70% số hộ trong xóm bán đất. Người mua đất hầu hết là từ Hà Nội và một số địa bàn trong tỉnh như Hà Đông, Sơn Tây. Khi vào thời điểm cuối năm 2004, trong xóm đang mọc lên rất nhiều nhà mới xây. Vật liệu xây dựng như gạch, ngói, vôi, đá đôi khi làm tắc nghẽn con đường của xóm. Những âm thanh pha tạp của xe máy, các phương tiện vận chuyển vật liệu, máy xúc, máy ủi cùng với các dàn máy karaoke làm mất đi cái vẻ tĩnh mịch của xóm trước kia. Thị trường đất đai trong xóm được hình thành là do những nhân tố chính sau. Thứ nhất, vào đầu năm 2003 một số hộ gia đình tại thôn Minh Hồng (thôn nằm kề với Hợp Sơn) bán đất của mình cho một công ty du lịch để công ty này thiết lập dự án du lịch sinh thái. Việc thực hiện dự án này làm cho một số người có suy nghĩ rằng nơi đây sẽ trở thành một địa điểm phát triển trong tương lai. Thứ hai, có một số quan chức cũng đã mua đất tại một số nơi gần Hợp Sơn và xây dựng biệt thự ở đó. Sự hiện diện của họ tại nơi đây làm cho một số người nghĩ rằng đây sẽ là nơi rất phát triển sau này. Thứ ba, kể từ khi Thành phố Hà Nội có chủ tịch mới, một số người tin rằng Thành phố sẽ lấy lại huyện Ba Vì để mở rộng diện tích cho Thành phố vì trước năm 1991 huyện Ba Vì là một phần của Hà Nội[11]. Nhiều người hy vọng rằng nếu Ba Vì trở về với Hà Nội thì huyện sẽ có cơ hội nhận được rất nhiều hỗ trợ từ Thành phố. Sự kết hợp của các yếu tố này hình thành lên thị trường đất đai sôi động tại Hợp Sơn. Khi tôi còn có mặt ở xóm vào năm 2004, tôi thường thấy vào cuối tuần các đoàn khách từ Hà Nội đến xóm để tìm mua đất. Theo số liệu điều tra, khoảng 427.000 đô la được rót vào xóm thông qua thị trường đất đai. Tính bình quân, mỗi đầu hộ thu được khoảng 4.000 đô la từ bán đất. Số tiền này tương đương với  23 lần thu nhập bình quân trong năm của mỗi hộ.

Trong khi đất tại các nơi khác được bán theo đơn vị tính là m2, đất tại Hợp Sơn được bán theo đơn vị sào (360 m2). Giá đất được xác định dựa theo vị trí của mảnh đất, tính hợp pháp của nó, thời điểm bán và khả năng đàm phán giữa người mua và người bán. Thông thường, những mảnh đất nằm gần đường đi và ở những địa thế bằng phẳng bán được giá cao hơn những mảnh đất nằm ở những nơi khó tiếp cận. Những mảnh đất có giấy tờ đầy đủ và hợp pháp thường được giá cao hơn những mảnh không có giấy tờ. Bán sớm thông thường giá rẻ hơn bán sau. Khi thị trường mới hình thành (cuối năm 2003), một sào đất ở nơi có vị thế đẹp thường được bán với giá khoảng 5 triệu đồng. Vào cuối năm 2004, mỗi sào đất ở vị trí tương tự có thể được bán với giá 25 triệu đồng. Một ví dụ là anh Hiếu bán 8 sào đất từ mảnh đất rộng 11 sào của mình với giá 60 triệu đồng vào năm 2003. Giữa năm 2004, anh Hiếu tiếp tục bán thêm 1 sào nữa từ mảnh đất này và thu được 30 triệu đồng. Những hộ gia đình có khả năng đàm phán về giá cả có thể bán được đất với giá cao hơn các hộ không có khả năng này.

Sau khi mua đất, mặc dù chưa sử dụng đến mảnh đất của mình nhưng hầu hết người thành phố thường không cho những người chủ cũ duy trì cây trồng trên mảnh đất đó. Để bảo vệ mảnh đất của mình, người thành phố thường thuê người trong xóm dùng cọc bê tông và dây thép gai rào lại mảnh đất của mình. Thông thường, mỗi mảnh đất rộng khoảng mà người thành phố mua rộng 10-20 sào. Đất trước kia được sử dụng cho mục đích trồng trọt nay thường bỏ không. Người mua hoàn toàn không có ý định sử dụng những mảnh đất của mình vào mục đích nông nghiệp. Nói theo ngôn ngữ của Rigg (2001), đất đai tại Hợp Sơn đã biến đổi từ mục đích sản xuất sang mục đích tiêu thụ, bởi người thành phố sẽ sử dụng những mảnh đất này làm khu nghĩ dưỡng hoặc vui chơi giải trí.

Sau khi bán đất, nhiều hộ gia đình tại Hợp Sơn sử dụng tiền thu được từ bán đất để xây nhà. Họ thuê máy móc ủi những mảnh vườn trước kia trồng ngô, sắn, cây thuốc, rau và cây ăn quả để tạo mặt bằng làm nhà. Một số hộ lấp ao hoặc đổ đất lên các mảnh ruộng nằm cạnh đường để tạo mặt bằng sau đó xây nhà bên trên. Nếu chúng ta có dịp tới thăm xóm, điều dễ nhận thấy là có rất nhiều ngôi nhà mới mái ngói đỏ hoặc mái bằng. Khi vào bên trong chúng ta sẽ thấy nền đá hoa Trung Quốc bóng loáng, với những vật dụng tiện nghi hiện đại như ti vi màu Samsung hoặc Goldstar, dàn máy nghe nhạc Oasis, hoặc những bộ bàn ghế giả cổ Trung Quốc, bên cạnh đó là những chiếc xe máy Trung Quốc nhãn hiệu Honda, Wind, hoặc Angle. Thông thường, những vật dụng này thường được đặt ở những ví trí dễ thấy nhất trong ngôi nhà. Theo nguồn số liệu tôi điều tra, một nửa số hộ sau khi bán đất dùng một phần số tiền thu được để mua 1-2 sào đất để làm nhà; 1/3 số hộ mua đồ gỗ nội thất như bàn ghế hoặc xa lông; 2/3 số hộ mua xe máy; 1/4 số hộ mua ruộng của xóm bên cạnh. Trong tổng số tiền mà xóm thu được từ bán đất thì có tới 30% được sử dụng để mua đất làm nhà, 18% được sử dụng để xây nhà, 7% để mua xe, 3% để mua trâu bò, 1% để mua ti vi và khoảng 1% để mua ruộng. Phần còn lại được sử dụng để mua các vật dụng gia đình như quạt điện, máy bơm nước hoặc để tiết kiệm.

Khi nhìn vào những vật dụng mà hộ đầu tư sau khi bán đất chúng ta có thể nói rằng thị trường đất đai làm cho các hộ có điều kiện tiếp cận với cuộc sống hiện đại. Sự hiện đại này được đo theo thước đo của người Kinh vùng đồng bằng được thể hiện qua những vật dụng như nhà cửa tiện nghi, ti vi, xe máy, và các vật dụng khác. Người dân tại Hợp Sơn hấp thụ những giá trị hiện đại này thông qua phương tiện truyền thông đại chúng như đài, báo, tivi, và qua giao tiếp với những người vùng đồng bằng mà họ có mối quan hệ buôn bán[12]. Phần dưới đây sẽ phân tích những thành viên tham gia thị trường.

Phân tích thị trường đất đai tại Hợp Sơn

Tại xóm, thị trường đất đai không chỉ có sự tham gia của người mua và người bán mà còn có cả những người trung gian tạo sự kết nối giữa hai bên. Người trung gian có vai trò tìm kiếm khách hàng là người có nhu cầu mua đất thường sống ở các thành phố và người có nhu bán đất trong xóm, sau đó kết nối hai bên với nhau. Theo quan sát, trong xóm có 4 người đóng vai trò trung gian. Cả 4 người này đều là những người có mối quan hệ tốt với bên ngoài. Bên cạnh đó còn có một người trung gian chuyên nghiệp mà người dân gọi là “cò đất” là người không phải người dân trong xóm[13]. Cò đất này không hoạt động một mình mà kết hợp với một người trung gian trong xóm. Bên cạnh những người trung gian, thị trường đất đai còn có sự tham gia của Chính quyền địa phương từ cấp xóm tới cấp huyện bởi họ là những người có chức năng quản lý hành chính về đất đai tại địa phương. Về mặt luật pháp, việc mua bán đất nếu không được phép của chính quyền địa phương sẽ bị coi là bất hợp pháp. Những việc như xác định ranh giới, xác định tình trạng pháp lý của mảnh đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng cho mảnh đất đó phải được tiến hành bởi Chính quyền địa phương.

Tại xóm, thị trường đất đai không phải được hình thành dựa trên cung và cầu. Thực tế, hoạt động của thị trường rất phức tạp. Với sự giúp đỡ của người trung gian, thị trường đất đai tại xóm bị khống chế chủ yếu bởi người mua. Nói theo ngôn ngữ của Li (2002), người dân bị “tự bị ép buộc” để tham gia vào thị trường và họ không có sự lựa chọn nào khác. Giữa người mua và người bán thường khác nhau rất nhiều về khả năng đàm phán trong mua bán. Do người dân chưa từng có kinh nghiệm trong việc mua bán này, họ thường rất thụ động trong đàm phán về giá cả. Ngược lại, người mua thường là những người có rất nhiều kinh nghiệm trong chuyện này. Nói chuyện với một vài người trong số họ tôi được biết họ là những người rất giàu có sống ở thành phố và là thường là những đã từng tham gia vào việc mua bán đất trước đây. Họ hiểu rất rõ về các thủ tục pháp lý cần thiết trong mua bán và cũng nắm rất rõ các quy hoạch của Nhà nước. Những kiến thức và thông tin này tạo rất nhiều lợi thế cho họ khi đàm phán với người dân. Ngoài ra, họ thường hợp tác với người trung gian để giảm giá đất khi mua. Dưới đây là lời của một người:

Mình có biết gì về nó [thị trường đất] đâu . . . Ông Bi[14]  [một người trung gian] đến nhà mình cùng với một người đàn ông và giới thiệu là người Hà Nội . . . Ông ở Hà Nội trả mình 5 triệu đồng một sào. Mình chẳng bao giờ dám mơ đến việc có được 120 triệu đồng từ việc bán mảnh vườn rộng 24 sào. Nhà mình chẳng bao giờ có tiết kiệm được đến 5 triệu đồng… Mình nói với tay Hà Nội rằng mình phải bàn với vợ và sẽ trả lời vào ngày hôm sau. Buổi tối hôm đó ông Bi đến nhà mình và nói rằng 5 triệu một sào là bán được rồi và dạo này cũng không dễ kiếm được người mua đâu. Mình sợ mất tiền do vậy hôm sau quyết định bán luôn.

Một số người dân tôi phỏng vấn chia xẻ những câu chuyện tương tự. Những người mua đất thường kết hợp với trung gian để xác định giá đất và người dân có rất ít vai trò trong việc xác định giá. Thực ra người mua không thể thao túng được thị trường nếu họ không câu kết với người trung gian. Trong hầu hết các trường hợp, người trung gian thường nhận được chi phí môi giới từ người mua lớn hơn rất nhiều so với từ người bán do vậy họ thường đứng về phía người mua nhiều hơn là người bán. Thậm chí họ còn lừa dối cả người bán. Cứ mỗi lần môi giới thành công, nguời mua thường trả cho người trung gian một số tiền tương ứng với khoảng 5-10% tổng số tiền họ bỏ ra mua đất. Trong khi đó, người môi giới thường nhận được một số tiền rất nhỏ hoặc thậm chí không được gì từ người bán. Khi tôi ở thực địa, cò đất Đô rất tự hào kể cho tôi câu chuyện anh ta và anh Bi (người trung gian trong xóm) phối hợp để mua đất của anh Hà (một người dân trong xóm) cho một người ở Hà Nội. Được biết rằng anh Hà đang muốn bán mảnh vườn 8 sào của mình, một người ở Hà Nội tên là anh Phu đến gặp anh Hà và ngỏ ý muốn mua mảnh đất này. Lúc đầu anh Hà đòi giá 170 triệu đồng cho mảnh đất. Anh Phu nói giá như vậy quá đắt và bỏ đi. Anh Phu sau đó đến gặp anh Đô và ngỏ ý rằng sẽ trả chi phí sẽ trả chi phí dịch vụ 15 triệu với điều kiện anh Đô giảm được giá xuống dưới 120 triệu cho mảnh đất của anh Hà. Đồng ý với điều kiện này, anh Đô bàn bạc với anh Bi. Anh Đô sau đó đến gặp anh Hà và trả giá 100 triệu cho mảnh đất. Do giá thấp, anh Hà không chấp nhận. Mấy hôm sau anh Bi đến gặp anh Hà và nói rằng bạn mình đang tìm mua một mảnh đất trong xóm và mảnh đất của anh Hà có thể bán được giá 110 triệu. Sợ mất cơ hội, anh Hà đồng ý bán mảnh vườn của mình cho anh Bi. Phi vụ mua bán thành công, theo như thỏa thuận, Anh Đô và anh Bi nhận được 15 triệu từ anh Phu và không nhận được gì từ anh Hà. Sau đó anh Đô còn giúp anh Phu làm các thủ tục giấy tờ về chuyển nhượng và nhận thêm 10 triệu đồng từ anh Phu cho dịch vụ này. Anh Đô cho biết anh ấy đã kiếm được khoảng 150 triệu đồng từ dịch vụ môi giới kể từ khi thị trường đất hình thành tại xóm.

Sự hình thành của thị trường đất đai tại địa phương cũng tăng vai trò quản lý đất đai của chính quyền địa phương. Trước khi có thị trường, mối quan hệ giữa người dân và chính quyền địa phương về sử dụng đất đai hầu như rất hạn chế. Người dân chẳng khi nào hỏi ý kiến của chính quyền đất nên được sử dụng như thế nào. Khi thị trường bắt đầu hình thành, hộ nào muốn bán đất phải có ý kiến của chính quyền địa phương. Mua bán hợp pháp đòi hỏi phải có sự nhất trí của chính quyền và phải liên quan tới cán bộ địa chính đảm nhận công việc chuyên môn[15].

Để xúc tiến việc giao dịch thực hiện một cách nhanh chóng, người mua luôn phải “bồi dưỡng” các cán bộ địa phương. Một số hộ bán đất phàn nàn rằng cán bộ địa chính luôn tìm cách làm chậm quá trình giao dịch bao gồm các thủ tục giấy tờ nhằm ép người mua và người bán phải chi tiền bồi dưỡng. Chủ nhà của tôi trong xóm nói: “nếu muốn nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ cần đưa cho ông Tha [cán bộ địa chính ] từ 3 đến 5 triệu đồng. Làm vậy thì hồ sơ mới được gửi lên huyện. Nếu không có tiền thì còn lâu,  phải ngồi đấy mà đợi. Hồ sơ của tôi còn đang bị tắc với ông ấy mặc dù đã nộp được 3 tháng nay rồi.” Một số người dân cho rằng cán bộ địa chính đã kiếm được rất nhiều tiền từ các giao dịch mua bán đất đai này.

Người dân và thị trường đất đai

Không phải hộ nào trong xóm cũng có những cách giống nhau trong việc tương tác với thị trường. Nhìn chung mà nói, các hộ gia đình trong nhóm có thể được xếp làm 4 nhóm khác nhau. Nhóm thứ nhất bao gồm các hộ bán đất và sau đó sử dụng tiền vào các vật dụng tiêu dùng ví dụ như nhà cửa, xe máy, ti vi màu, bàn ghế. Nhóm này được gọi là nhóm có thiên hướng tiêu dùng. Những hộ trong nhóm này có cách đánh giá rằng thị trường đất đai là một cơ hội tốt giúp họ chuyển từ cuộc sống lạc hậu sang cuộc sống hiện đại. Khi thu được tiền từ bán đất, hộ thường sử dụng số tiền này để đầu tư vào các vật dụng tiêu dùng, và không quan tâm nhiều đến cuộc sống tương lai lâu dài. Trường hợp của anh Hi là một ví dụ điển hình. Khi tôi đến thăm nhà anh vào một biểu chiều tháng 8 năm 2004 tôi gặp anh ấy  vừa đi chăn bê về. Chi Hà vợ của anh không ở nhà vì đang phải đi làm thuê cho xóm bên. Khi tôi bước vào trong nhà, anh Hi đang cởi trần, một tay cầm chiếc quạt lá cọ, một tay bế đứa con gái 3 tuổi. Thấy tôi vào, anh Hi đứng dạy và mặc chiếc áo có dòng chữ Star Wars (chiến tranh giữa các vì sao) trước ngực. Anh bật quạt điện và sau đó bật cho tôi xem giàn máy nghe nhạc Oasis và chiếc tivi Sam Sung[16]. Màn hình xuất hiện một cô ca sỹ hải ngoại đang hát những bài hát tiền chiến. Anh Hi mời tôi uống chè và bắt đầu kể cho tôi nghe về gia đình mình. Do hộ anh Hi thành lập sau khi HTX đã chia hết đất, anh Hi không được nhận đất ruộng do HTX chia. Sauk hi cưới vợ và tách ra khỏi mẹ đẻ, hai vợ chồng được mẹ đẻ anh Hi cho 2 sào ruộng và một mảnh vườn 11 sào trên đó có nương chè cũ của Lâm trường. Mảnh vườn nằm kế bên con đường xóm. Hai vợ chồng mới sau đó làm được một chiếc nhà đơn sơ trên mảnh vườn của mình. Khi thị trường đất đai bắt đầu hình thành trong xóm, với mảnh vườn nằm ở vị trí thuận lợi, anh Hi là một trong những người đầu tiên người thành phố đến hỏi mua đất. Bị cuốn hút bởi một số tiền lớn có thể thu được từ bán đất, vợ chồng anh quyết định bán 8 sào trong mảnh vườn của mình và thu được 60 triệu đồng. Hai vợ chồng bàn bạc và quyết định đưa nửa số tiền này cho mẹ anh Hi vì về danh nghĩa đất là của bà ấy. Đầu năm 2004, anh Hi quyết định đập bỏ chiếc nhà cũ và đầu tư 50 triệu đồng để xây nhà mới. Do không đủ tiền, hai vợ chồng bán tiếp 1 sào vườn và thu được 30 triệu. Với số tiền này, anh Hi dành 8.5 triệu mua một chiếc xe máy Trung Quốc, 2,7 triệu mua một chiếc ti vi màu hiệu Sam Sung, một chiếc tủ, và một bộ xa lông. Do hết tiền anh Hi phải xin 2 triệu đồng của mẹ. Số tiền này vừa đủ để hai vợ chồng mua được một con bê con. Do thiếu đất canh tác, hai vợ chồng lại phải mượn một mảnh đất đồi của mẹ. Tuy nhiên theo tôi được biết, chính quyền xã sẽ đòi lại mảnh đất này bởi đây là mảnh đất mượn của xã. Hiện tại, hai vợ chồng lo lắng về điều này[17]. Anh Hi chỉ tay ra vườn chè bên ngoài cửa sổ và nói “Họ [chủ mới] không cho làm gì trên mảnh đất này rồi. Họ bỏ không vườn chè. Họ cũng chẳng làm gì khác. Gia đình em mất nguồn thu từ chỗ này.” Gần đây, hai vợ chồng anh Hi bắt đầu phải đi làm thuê ở xã bên để góp phần thêm vào nguồn thu nhập ít ỏi. Anh Hi phàn nàn: “Cuộc sống càng ngày càng đắt đỏ. Tất cả mọi thứ, từ điện đến phí nhà trẻ cho trẻ con đều tăng.

Trong xóm có những hộ gia đình tương tự như hộ của anh Hi. Họ có chung đặc điểm là  bán đất sớm và không đầu tư vào các vật dụng sinh lợi hoặc phương tiện sản xuất. Thông thường các hộ này đều thuộc các hộ nghèo[18]. Đặc điểm trung là chủ hộ đều trẻ. Các hộ hạn chế về lao động và đất canh tác. Sau khi bán đất, một số hộ thậm trí còn bán luôn cả ruộng nằm ở xóm cũ (Hợp Nhất) mà bố mẹ để lại vì họ cho rằng ruộng nằm ở quá xa nhà. Một số hộ khác thu hẹp diện tích trồng trọt trên đất đồi hoặc thậm chí không làm nữa và sống chủ yếu dựa vào nguồn tiền bán đất. Vào cuối năm 2004, hầu hết các hộ trong nhóm này đã tiêu hết tiền. Thậm trí một số hộ đã bắt đầu phải đi vay tiền từ các hộ khác và rơi vào cảnh nợ nần. Khi còn ở xóm, tôi đã được chứng kiến một vài hộ trong nhóm này tới gặp Hội trưởng hội Phụ nữ xã nhờ bảo lãnh để vay vốn nhà nước[19]. Như vậy, mặc dù thị trường đất đai làm cho các hộ trong nhóm này có cơ hội tiếp xúc với cuộc sống hiện đại, họ không thể cải thiện cuộc sống của mình về lâu dài. Tiêu cực hơn, cuộc sống của họ ngày càng khó khăn hơn.

Nhóm hộ thứ hai bao gồm các gia đình bán đất và đầu tư nhiều vào các vật dụng sinh lợi và phương tiện sản xuất, bên cạnh những vật dụng tiêu dùng. Tôi gọi những hộ trong nhóm này là hộ có thiên hướng sản xuất. Sau khi bán đất, họ thường dùng tiền để mua ruộng và bò. Các hộ nhóm này đánh giá thị trường đất đai không chỉ đơn thuần là cơ hội để họ tiếp cận với cuộc sống hiện đại mà còn là cơ hội để họ ổn định cuộc sống tương lai, giảm sự phụ thuộc của họ vào VQG. Gia đình của anh Trường là một ví dụ trong nhóm này. Trước khi bán mảnh vườn 22 sào của mình, hộ của anh với 6 khẩu không đủ gạo để ăn. Cuối năm 2003, hai vợ chồng quyết định bán toàn bộ mảnh vườn và thu 114 triệu. Họ sử dụng 32% của số tiền này để mua một mảnh vườn rộng 4,5 sào trên đó có cả nương chè của một hộ khác. Họ sử dụng 5% số tiền từ bán đất để mua 2 sào ruộng. Với số ruộng như hiện nay, gia đình không còn ăn đong gạo như trước kia. Hai vợ chồng cho rằng nuôi bò cũng là một cách tiết kiệm tiền, do vậy đã đầu tư 12% số tiền từ bán đất để mua 4 con bê. Số tiền thu được từ việc bán sắn trồng trên nương trong VQG tạo cho hộ có nguồn thu khoảng 5,8 triệu đồng/năm, đủ để trang trải các chi phí như mua vật tư nông nghiệp, tiền học hành cho con cái, và chi tiêu hàng ngày. Hiện nay các thành viên trong gia đình sống trong căn nhà mới xây trị giá 30 triệu đồng. Sau khi đầu tư 6,2 triệu đồng để mua một chiếc xe máy, hai vợ chồng gửi toàn bộ số tiền còn lại vào tiết kiệm. Chị vợ nói: “Mình gửi toàn bộ số tiền còn lại vào ngân hàng. Mình để dành cho bọn trẻ con học hành sau này.”

Trong số các hộ bán đất, khoảng 1/4 thuộc nhóm hộ này. Đặc điểm chung của họ là chủ hộ thường ở độ tuổi trung niên. Họ thường được xếp vào nhóm các hộ trung bình. Hầu hết các hộ đều có ruộng của HTX. Một số còn đào thêm những con ruộng ở những nơi gần nguồn nước, một số khác mua ruộng ở xóm bên thậm chí trước cả khi bán đất. Đối với các hộ trong nhóm này, thị trường đất đai không chỉ giúp cho họ có điều kiện tiếp cận với cuộc sống hiện đại mà còn giúp ổn định cuộc sống lâu dài và đầu tư vào học hành cho con cái.

Nhóm thứ 3 bao gồm các hộ có đất tại các vị trí thuận lợi tuy nhiên họ lại không muốn bán mặc dù nếu bán đi sẽ đem lại cho họ rất nhiều tiền. Tôi gọi những hộ này là hộ có thiên hướng từ chối tham gia vào thị trường. Đối với họ, bán đất đồng nghĩa với sự bất ổn về tương lai. Thông thường những hộ trong xóm này đều thuộc vào loại khá giả. Hầu hết họ đều có nhiều ruộng, nhà cửa tiện nghi và có nguồn thu nhập ổn định. Bởi vậy, họ không phải dựa vào việc bán đất để tạo thêm nguồn thu và thay đổi cuộc sống của mình. Hộ anh Đình là một hộ trong nhóm này. Hiện tại, anh vẫn còn giữ mảnh vườn rộng 25 sào. Hai vợ chồng và hai con đang sống trong một căn nhà 2 tầng được coi là đẹp nhất trong xóm trước khi thị trường đất xuất hiện. Tổng thu nhập bình quân hàng năm của hộ khoảng 23 triệu được thu từ các nguồn như chăn nuôi, cá, cây vụ đông và buôn bán. Với nguồn thu này, 2 vợ chồng anh đã mua được các vật dụng đắt tiền như ti vi màu Toshiba, xe máy Angle, và bàn ghế xa lông hiện đại. Tôi hỏi đùa khi gặp anh Đình: “Sao anh không bán mảnh vườn của mình đi để lấy 1 tỷ đồng”. Anh Đình nhìn tôi với vẻ mặt trông rất nghiêm túc và nói: “Còn tôi đây, còn chú đấy, hãy đợi xem cái gì sẽ xảy ra với họ [những người bán đất] khi tiền hết. Tôi đảm bảo với chú rằng họ sẽ có vấn đề lớn. Không đời nào không lại bán đất đi để ăn.” Đối với những hộ như hộ của anh Định, bán đất không phải là cách để cải thiện cuộc sống. Ngược lại, bán đất có nguy cơ đẩy hộ vào chỗ mất phương tiện sản xuất trong tương lai và gây ra những bất ổn sau này.

Nhóm hộ cuối cùng bao gồm những người có đất nhưng không thể bán được. Tôi gọi các hộ trong nhóm này là các hộ thiệt thòi. Có 3 lý do chính mà họ không thể tiếp cận với thị trường. Thứ nhất, họ có diện tích đất quá nhỏ, thông thường dưới 3 sào. Những hộ có diện tích hẹp thế này thường là các hộ trẻ. Đất thường được bố mẹ chia cho và thường không có giấy tờ. Những người mua đất đến từ thành phố thông thường không chọn mua các mảnh đất kiểu này. Thứ hai, đất của hộ nằm ở những vị trí không thuận tiện. Những hộ có đất kiểu này thường là những hộ chuyển đến xóm sau. Như đã đề cập ở trên, chương trình định cư của xóm diễn ra từ năm 1991 đến 1994. Những hộ chuyển đến sớm thường lựa chọn những mảnh đất nằm ở vị trí thuận lợi. Các hộ chuyển đến sau không còn lựa chọn nào khác buộc phải lấy những mảnh đất nằm ở những vị trí không thuận lợi bằng. Điều này trở thành bất lợi cho họ vì người thành phố thường không mua đất ở vị trí bất lợi. Thứ ba, một số hộ có đất nằm ở vị trí thuận thiện, diện tích tương đối lớn nhưng lại không có giấy tờ pháp lý cho mảnh đất. Lý do bởi các mảnh đất này trước kia được mua bán không chính thức. Trước khi có thị trường đất đai xuất hiện tại xóm, giữa các hộ thỉnh thoảng vẫn có những mua bán đất đai không chính thức, thực hiện  chủ yếu bằng hợp đồng miệng hoặc giấy viết tay. Do các hộ thường không thông báo cho Chính quyền địa phương vì vậy họ không nhận được giấy tờ pháp lý cho mảnh đất của mình. Thiếu các giấy tờ pháp lý hạn chế các hộ bán đất cho người thành phố.

Tóm lại, thị trường đất đai tác động tới các hộ gia đình trong xóm theo cách khác nhau. Đối với một số hộ, bán đất giúp ổn định tương lai và tiếp cận với cuộc sống hiện đại. Đối với một số hộ khác, bán đất đồng nghĩa với việc mất tư liệu sản xuất, dẫn tới rủi ro về tương lai. Một số hộ mong muốn bán đất nhưng không tiếp cận được với thị trường do những hạn chế nhất định. Trong phần tiếp sau đây tôi sẽ đề cập đến tác động của thị trường tới các mối quan hệ xã hội tại cộng đồng, trong đó tập trung vào một số mâu thuẫn chủ yếu mới được hình thành kể từ sau khi thị trường xuất hiện.

Tác động của thị trường đất đai đến việc hình thành các mâu thuẫn

Thị trường đất đai làm nảy sinh các mâu thuẫn giữa các cá nhân với nhau[20]. Thứ nhất, mâu thuẫn phát sinh giữa người dân trong xóm và những người mua đất đến từ thành phố. Thông thường, người trong xóm và người thành phố không nói chuyện với nhau thậm chí cả khi gặp nhau. Người mua đất thường không hòa đồng với người dân. Đối với những nơi như xóm Hợp Sơn, khi hầu hết mọi người đều liên kết với nhau qua mối quan hệ về các tổ chức xã hội, dòng họ, cộng đồng, sự tách biệt của người thành phố là điều mà người dân không thể chấp nhận được. Một số người dân phàn nàn với tôi rằng những người mua đất coi thường họ, coi họ là những người thấp kém. Trong xóm, người dân dùng từ “người thành phố” để mô tả những người mua đất từ bên ngoài và gọi bản thân họ là “nông dân”. Với cách hiểu như thế này, trong nhận thức của người dân đã hình thành sự phân cấp xã hội, trong đó phân biệt người dân trong xóm và người thành phố — những người tương lai sẽ có mặt tại xóm – thành hai nhóm xã hội khác biệt, Khi còn ở xóm, tôi dễ dàng nhận thấy người dân thể hiện khó chịu của mình đối với người thành phố. Điều này không chỉ thể hiện qua cách sử dụng ngôn từ của họ mà còn qua một số hành động cụ thể. Chị Liên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm kể cho tôi câu chuyện chị đã cãi nhau với với ông Hưng, một người mua đất từ Hà Nội vừa mới đầu tư xây dựng một chiếc nhà sàn rất to trên mảnh đất mới mua của mình. Khi chị  Liên đến nhà ông Hưng để vận động cho việc đóng tiền nhằm tu sửa con đường của xóm, điều mà tất cả các hộ trong xóm đều có trách nhiệm phải làm, ông Hưng nói với chị “Tao đéo phải đóng tiền cho đứa nào cả. Tao vừa mới đến, tao đéo đóng. Bọn mày sử dụng đường là chính, tao sử dụng là bao.” Cảm thấy bị xúc phạm, chị Liên nói: “Người thành phố các ông mà cũng ăn nói thế à? Tôi tưởng người có học thì không biết nói láo, nhưng bây giờ tôi biết tôi đã nhầm.” Câu chuyện này sau đó được lan ra khắp xóm, làm xuất hiện những căng thẳng giữa người dân và người mua đất thành phố. Vào cuối năm 2004, tôi chứng kiến một vụ hoả hoạn tại xóm. Người nào đó đã đốt căn nhà bỏ không trên mảnh đất vừa mua của một người thành phố. Sau đó vài ngày, người mua cùng với 2 người công an huyện đã tới xóm để điều tra kẻ gây ra hỏa hoạn. Những người này tra hỏi một số hộ xung quanh đó theo cách làm các hộ cảm thấy rất bực mình. Anh Chu, một trong số những người trong xóm bị hỏi nói với tôi: “Mình có làm gì đâu. Mình cũng chẳng biết ai đã làm chuyện đó, nhưng bọn nó coi mình như thể mình đã đốt nhà nó vậy. Bực không thể chịu được. Bọn nó là những người ngoài nhưng rất ngạo mạn. Mình cứ nghĩ rằng người mới đến thì phải hòa nhã với dân mình chứ. Đây nó có thế đâu.”

Có lẽ vẫn còn quá sớm để có thể  tổng kết về những mâu thuẫn giữa người dân và người thành phố, nhưng những bằng chứng ở trên cho thấy rằng sự hòa hợp giữa người dân với người thành phố sẽ không dễ dàng chút nào. Tất nhiên cũng có những người thành phố đã và luôn sẵn sàng đóng góp tiền để cải tạo đường của xóm. Một số thậm trí đã giúp con cái những hộ bán đất cho mình tìm các công việc ở bên ngoài bao gồm cả các công việc tại Hà Nội. Tuy nhiên, trong số những người mua đất vẫn còn nhiều người duy trì lối suy nghĩ cũ về người dân tộc. Nói chuyện với một số người trong số họ, tôi nhận thấy rằng họ thường coi mình là người văn minh hơn rất nhiều so với người dân trong xóm. Đối với họ, người dân tộc vẫn còn một cái gì đó bí hiểm. Khi nói chuyện về người dân tộc, họ thường sử dụng các ngôn từ như bẩn, không vệ sinh, lạc hậu. Khi tôi hỏi họ tại sao lại mua đất tại đây, họ thường đề cập đến cảnh quan thiên nhiên, sự yên tĩnh, môi trường tốt. Hầu như không ai đề cập đến người dân trong xóm theo cách tích cực. Một số người thậm chí nói với tôi rằng họ không thể tưởng tượng nếu có hàng xóm là người dân tộc thì sẽ ra sao. Theo đánh giá của tôi, những người mua đất chỉ quan tâm đến những giá trị môi trường thiên nhiên, cảnh quan tại xóm, đặc biệt là cảnh quan núi rừng xung quanh chứ không quan tâm đến người dân. Hiểu theo cách này, thị trường đất đai đóng vai trò tạo ra những nhóm người mới tại địa phương, những người có mối quan tâm khác với người dân. Từ đó, thị trường làm cấu thay đổi cấu trúc xã hội tại cộng đồng và làm nảy sinh một số mâu thuẫn.

Người dân và chính quyền địa phương

Thị trường đất đai cũng làm nảy sinh một số mâu thuẫn giữa một số cán bộ địa phương những và những hộ không có giấy tờ pháp lý cho mảnh đất của mình. Như đã để cập ở trên, những mảnh đất có đầy đủ giấy tờ thường dễ bán và được giá. Trong xóm có một số hộ muốn bán đất nhưng chưa có được giấy tờ hợp pháp (sổ đỏ). Nhằm tiếp cận với thị trường, các hộ này gấp rút chuẩn bị giấy tờ để xin cấp sổ. Tuy nhiên, tiến trình cấp sổ cho mảnh thường phức tạp và mất nhiều thời gian. Thấy tiến trình diễn ra chậm trễ, các hộ này thường cho rằng các cán bộ đặc biệt là cán bộ địa chính xã làm việc không có hiệu quả, thiếu năng lực, trùng trình trong giải quyết công việc. Một số hộ thì cho rằng cán bộ địa chính chủ ý làm chậm tiến trình cấp sổ và không nộp hồ sơ lên chính quyền huyện nhằm buộc người dân phải trả tiền cho anh ta. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trở thành đề tài nóng nhất trong tất cả các cuộc họp tại xóm và xã vào thời gian thị trường diễn ra. Các cuộc cãi vã giữa chính quyền xã và các hộ diễn ra thường xuyên.

Người thành phố, người dân và chính quyền địa phương

Thị trường đất đai cũng làm nảy sinh những mâu thuẫn giữa người thành phố, người dân và chính quyền cấp xã. Như đã đề cập ở trên, khi người dân di chuyển đến xóm mới tại Hợp Sơn vào giữa những năm 90, chính quyền đã lấy đất từ Lâm trường Ba Vì để giao cho các hộ. Trên đất một số hộ được nhận bao gồm cả các cây của Lâm trường, bao gồm cả 1600 cây thông non. Toàn bộ số thông này nằm trên diện tích đất của 13 hộ gia đình. Vào năm 2000, toàn bộ số hộ này đã nhận được sổ đỏ từ Ủy ban Nhân dân huyện. Theo Luật đất đai ban hành năm 1993, sổ đỏ là bằng chứng pháp lý xác nhận quyền sở hữu hợp pháp của hộ đối với mảnh đất cùng với các loại cây trồng trên mảnh đất đó. Tuy nhiên, bởi HTX được Lâm trường giao quyền quản lý số thông non, Ban quản lý HTX lại cho rằng họ là người có quyền quyết định việc sử dụng số cây trên mảnh đất của các hộ như thế nào. Khi thị trường đất đai xuất hiện, sự khác nhau giữa quyền hưởng dụng mảnh đất và quyền quản lý và hưởng dụng cây trên mảnh đất đó trở thành vấn đề lớn và làm nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn giữa người mua đất là người chủ mới của mảnh đất và Ban quản lý HTX là người được giao quản lý số cây trên đất. Vào cuối năm 2004, đã có 6 hộ trong tổng số 13 hộ đề cập ở trên bán đất cho người thành phố. Sau khi mua đất, người mua thường làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất từ chủ cũ sang tên của họ. Những người chủ mới đều hiểu rằng theo luật định họ có toàn quyền quyết định với số cây nằm trên đất của họ chứ không phải ban quản lý HTX. Khi một số cán bộ trong ban quản lý HTX nói chuyện với họ về số cây thông trên đất đó, họ nói với những người cán bộ HTX rằng đất và tất cả cây cối nằm trên đất của họ là tài sản của họ. Thậm chí có người trong số họ còn nói rằng nếu cán bộ xã động vào bất cứ cây nào trên đất họ sẽ kiện lên tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Để giải quyết tranh chấp này, ban quản lý HTX đã cầu cứu sự can thiệp của Chính quyền xã và huyện. Tuy nhiên, Chính quyền xã và huyện cũng không biết phải làm thế nào. Chủ tịch xã nói với tôi: “Chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào. Lẽ ra số cây này phải được thanh lý trước cấp sổ đỏ cho các hộ nhưng họ [Lâm trường, HTX, hộ có đất] không làm như vậy. Bây giờ chúng tôi cũng chẳng biết ai là người có quyền hợp pháp đối với số cây này.” Không ai có thể dự đoán rằng mâu thuẫn này sẽ có thể được giải quyết như thế nào trong tương lai.

Mâu thuẫn trong hộ gia đình

Thị trường đất đai cũng làm nảy sinh một số mâu thuẫn giữa các thành viên trong hộ gia đình. Gia đình anh Tin là một ví dụ điển hình. Trước đây hộ anh với 6 khẩu sống trong một ngôi nhà nhỏ nằm trên mảnh đất của bố anh. Khi thị trường mới xuất hiện do nhìn thấy một khoản tiền rất lớn có thể thu được từ bán đất, anh Tin đã ép bố mình bán hầu hết mảnh vườn của mình và chỉ để lại một diện tích rất nhỏ để lấy đất làm nhà. Tổng số tiền thu được từ bán đất là 60 triệu. Đất bán xong, anh Tin đã không đưa số tiền này cho bố mình mà dùng 7 triệu trong số đó để mua xe máy, 3 triệu để mua một con bê nhỏ. Số tiền còn lại dùng vào xây nhà. Cảm thấy mình có quyền được hưởng một phần từ tài sản của bố mình, em trai của anh Tin đòi chia tiền bán đất, tuy nhiên anh Tin không đồng ý. Điều này gây ra rất nhiều cãi cọ giữa hai an hem. Một hôm, sau khi đi uống rượu về anh Tin đã đâm xe máy vào một người trong xóm. Số tiền viện phí và bồi thường cho người bị đâm lên tới 15 triệu đồng. Số tiền bán bê và xe máy vẫn không đủ để bồi thường cho người bị hại. Đến nay ngôi nhà vẫn đang ở trong tình trạng dang dở. Anh Tin nói với tôi rằng anh ấy không biết làm thế nào để có tiền để hoàn thiện ngôi nhà đang xây của mình. Trong lúc nói chuyện với tôi, vợ anh luôn khóc lóc và trách cứ về những việc mà chồng mình làm. Theo thông tin mà tôi nhận được từ Hội trưởng Hội Phụ nữ xã, anh Tin liên tục ép bố của mình đến nói chuyện với Hội trưởng nhằm đứng ra bảo lãnh để xin vay vốn làm nhà. Tuy nhiên, Hội trưởng tin rằng gia đình anh Tin sẽ không bao giờ có thể trả được nợ do vậy không đứng ra bảo lãnh cho vay.

Thị trường đất đai cũng làm nảy sinh mâu thuẫn vợ chồng trong một số gia đình. Sau khi bán đất người chồng dùng tiền đi đánh bạc. Hiện tại, từ khi bắt đầu có tiền từ bán đất, trong xóm xuất hiện các hình thức như đánh bạc, đánh đề, bi-a ăn tiền. An ninh viên của xã người sống tại xóm bên cạnh nói với tôi: “Thị trường đất đai đem lại rất nhiều vấn đề trong xóm. Xóm tôi may mắn vì không có thị trường này.” Hiểu theo cách này, thị trường đất đai giống như một hiểm họa hơn là cơ hội đối cho phát triển cộng đồng.

Kết luận

Bài viết này mô tả sự hoạt động của thị trường và các tác động của nó đến đến sự phân chia lợi ích, rủi ro và các mối quan hệ xã hội giữa các thành viên tham gia thị trường. Tại xóm, thị trường vận hành không theo quan hệ cung cầu đơn thuần mà thường bị khống chế bởi kẻ mạnh. Thị trường bị điều phối bởi sự câu kết, thông đồng, bóp méo thông tin…Kẻ mạnh là những người có kiến thức, vốn, thông tin thường dễ dàng thao túng thị trường trong khi đó kẻ yếu là người dân, những người thiếu kiến thức, không có vốn, và hạn chế về nguồn thông tin. Kết quả là người dân thường phải chịu thiệt thòi, đôi khi còn bị gạt ra khỏi bên lề.

Thị trường có tác động khác nhau đến các hộ trong cộng đồng. Thị trường giúp cho một số hộ tiếp cận với cuộc sống hiện đại và ổn định sinh kế tương lai. Tuy nhiên, nó lại làm mất đi phương tiện sản xuất của một số hộ khác và tạo ra các rủi ro trong tương lai. Sự xuất hiện của thị trường làm thay đổi cấu trúc xã hội của cộng đồng và làm nảy sinh một số mâu thuẫn. Thị trường làm thu hẹp khoảng cách không gian giữa vùng núi và đồng bằng. Song song với đó, thị trường cũng đóng vai trò chia rẽ xã hội vì đã làm nảy sinh các mâu thuẫn trong cộng đồng. Tóm lại, thị trường vừa có vai trò thúc đẩy phát triển vừa đóng vai trò lực cản của phát triển.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu những người thành phố có hòa nhập về mặt văn hóa và xã hội đối với những người dân trong xóm trong tương lai? Đây là những câu hỏi cần phải trả lời trong tương lai nhằm tìm hiểu các động của thị trường đến miền núi như thế nào. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị, Rigg (1999, 2001) cho rằng các vùng nông thôn sẽ chuyển sang một hình thức pha tạp giữa nông thôn và thành thị. Li (2002) cũng như Sikor và Phạm (2005) đã chỉ ra rằng thị trường là động lực chính làm chuyển đối miền núi. Theo nhận định của tôi, thị trường đất đai cũng là động lực quan trọng đem lại sự chuyển đổi ở miền núi. Kết luận của tôi tương tự như nhiều điều mà Rigg (2001) và Sikor và Phạm (2005) đưa ra khi các tác giả này cho rằng chúng ta sẽ không thể hiểu hết vùng núi nếu chúng ta tách biệt vùng này với vùng đồng bằng. Để hiểu được những chuyển đổi đang diễn ra ở miền núi, chúng ta không chỉ đơn thuần đánh giá những gì đang diễn ra tại nơi này mà cần phải đặt miền núi trong một bối cảnh kinh tế xã hội và chính trị rộng hơn.

Tài liệu trích dẫn

Vườn Quốc gia Ba Vi. Giới thiệu. Không có ngày.

Benda-Beckmann, Franz von, Keebet von Benda-Beeckmann and Melanie Wiber 2006 The Properties of Property Benda-Beckmann, von F., Benda-Beckmann, von K., Wiber, M. (eds.), Changing Properties of Property, New York, N.Y.: Berghahn.

Tổng cục Thống kê. 2002. Niên giám thống kê 2001. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê

Le Trong Cuc and Rambo, A. Terry.BrightPeaks,DarkValleys: A Comparative Analysis of Environmental and Social Conditions and Development Trends in Five  Communities inVietnam’s Northern Mountain Region. Ha Noi. The National Political Publishing House. 2001.

NationalCenterfor Social Sciences and Humanities. Human Development Report 2000.HanoiPublishing House.Hanoi. 2001.

Kerkvliet, Benedict J. Tria. An approach for analysing state-society relations inVietnam. Sojourn. 2001;  16(2):238-278.

Li, Murray Tania. Marginality, Power and Production: AnalyzingUplandTransformations. Li, Murray Tania, Editor. Transforming the Indonesian Uplands: Marginality, Power and Production.Amsterdam: Harwood Academic Publishers; 1999a.

—. Transforming the Indonesian Uplands: Marginality, Power and Production.Amsterdam: Harwood Academic Publishers; 1999b.

Li, Tania Murray. Local histories, global markets : cocoa and class in uplandSulawesi. Development and Change. 2002; 33(3):415-437.

Poffenberger, Mark. Keepers of theForest: Land Management Alternatives inSoutheast Asia.West Hartford, C.O.: Kumarian Press; 1990.

Poffenberger, Mark; Nguyen Huy Phon. The National Forest Sector. In Stewards of Vietnam’s Upland Forests. Poffenberger, Mark (ed).AsianForestNetwork. 1998.

Rambo, A. Terry; Reed, Robert R.; Le Trong Cuc, and DiGregorio, Michael R. The Challenges ofHighlandDevelopment inVietnam.Honolulu, H.I.:EastWestCenter; 1995.

Ramboo, Terry. DefiningHighlandDevelopment Challenges inVietnam: Some Themes and Issues Emerging from the Conference in Challenges ofHighlandDevelopment inVietnam. Rambo, Terry; Robert Reed, Le Trong Cuc; Michael DiGregorio (eds).Honolulu. 1995

Reed, Robert. FromHighlandHamlet to Regional Capital: Reflections on the Colonial Origins, Urban Transformation, and Environmental Impact of Da Lat in The Challenges ofHighlandDevelopment inVietnam. Rambo, Terry; Robert Reed, Le Trong Cuc; Michael DiGregorio (eds).Honolulu. 1995

Ribot, Jesse and Peluso, Nancy. A Theory of Access. Rural Sociology. 2003; 68(2):153-181.

Rigg, Jonathan. More than Soil. Rural Change inSoutheast Asia.Harlow: Pearson Education Limited; 2001.

—.Southeast Asia: The human landscape of modernization and development.LondonandNew York: Rutledge; 1997.

Sikor, T., Pham T.T.V. 2005. The Dynamics of Commoditization in a Vietnamese Uplands Village, 1980-2000, in: Journal of Agrarian Change, Vol. 5, No. 3, pp. 405-428.

Sowerwine, Jennifer. The Political Ecology of Dao (Yao) Landscape Transformations: Territory, Gender, and Livelihood Politics inHighlandVietnam.  2004.Berkeley,C.A.,UniversityofCaliforniaatBerkeley.

Sowerwine, Jennifer; Nguyen Huy Dung, Mark Poffenberger.BaViNational Parkand the Dao. In Stewards of Vietnam’s Upland Forests. Mark Poffenberger (ed.).AsiaForestNetwork. 1998.

Suryanata, Krisnawati. Fruit trees under contract: tenure and land use change in upland java,Indonesia. World Development. 1994; 22(10):1567-1578.

Tan, Stan B-H. Coffee frontiers in the Central Highlands ofVietnam: networks of connectivity.AsiaPacific Viewpoint. 2000; 41(1):51-67.

Vu Dieu Huong. 2004. Community at theForestEdge. Luận văn thạc sĩ chưa xuất bản. Trường đại học Chiang Mai.Thailand.


[1] Người Dao được xếp là một trong 54 dân tộc tại ViệtNam. Theo thống kê năm 1999, cả nước có khoảng 620.000 người Dao sinh sống, tương đương với khoảng 0,81% dân số của cả nước. Người Dao cư trú tại 39 tỉnh trong cả nước (Vương Xuân Tình và cộng sự, 1999).

[2] Các loại cây trồng khác trên đất giao cho các hộ bao gồm 7 ha chè (quy ra tiền tương ứng với  42 triệu Đồng vào thời điểm đó), 0.8 ha long não (0,65 triệu), 8 ha bạch đàn (6.5 triệu), 17,3 ha bồ đề ( (14,5 triệu) , 4,2 ha gió (1,68 triệu), 29 cây thông già (45,8 triệu) và một số lượng cây sơn (20,9 triệu).

[3] Theo như chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Lâm trường không trực tiếp đòi tiền từ hộ bởi họ biết rằng việc này sẽ rất khó, do vậy họ đẩy trách nhiệm cho HTX.

[4] Tuy Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đã giúp các hộ trả nợ một số phần cho Lâm trường, và bản thân Lâm trường cũng miễn một số nợ cho các hộ, nhưng cho đến nay HTX vẫn còn nợ Lâm trường trên 20 triệu đồng từ cây. Chủ nhiệm HTX cho biết HTX không thể trả lại số nợ này bởi không có hộ nào trả tiền cho HTX.

[5]Báo điện tử Việt Nam Net (www.vnexpress.net) đã có một loạt bài viết về chủ đề này. Thông tin chi tiết xin xem trang web: vnexpress.net.Vietnam/Xa-Hoi/2004/02/3B9CFB08/?q=1.

[6]Hà Tây là tỉnh có số người trong độ tuổi lao động lớn nhất trong cả nước (Nguồn: Tổng cục Thống kê 2002).

[7]Quyết định số 3209/KH/TC ngày 29 tháng 12 năm 1994 của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Chính phủ phê duyệt kế hoạch lấy 1000 ha đất tại huyện Thạch Thất làm địa bàn xây dựng trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Yêu cầu của Bộ đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 72/TTg ngày 27 tháng 2 năm 1995.

[8] Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nghiên cứu khả thi theo quyết định 667/TTg ngày 21 tháng 8 năm 1997.

[9] Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 2 tháng 6 năm 1997 phê duyệt kế hoạch tổng thể xây  dựng khu đô thị mới tại Hà Tây, bao gồm khu đô thị Miếu Môn, Xuân Mai, Hòa Lạc, và Sơn Tây.

[10] Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển tổng thể đến năm 2020 của Thành phố Hà Nội theo Quyết định 108/1998/QD-TTG ngày 20 tháng 6 năm 1998.

[11]Kể từ trước tháng 12 năm 1978, Ba Vì là một huyện tủa tỉnh Hà Sơn Bình (nay là tỉnh Hòa Bình và Hà Tây). Từ 1979 đến 1991, Ba Vì là một huyện của Hà Nội. Vào tháng 8 năm 1991, Chính phủ quyết định giao trả huyện Ba Vì cho Hà Tây.

[12] Trong xóm có một số hộ gia đình tham gia vào việc thu hái và chế biến cây thuốc. Họ trường bán các sản phẩm này ở chợ nằm gần làng hoặc ở các chợ khác. Thông tin chi tiết xin xem thêm trong Sowerwine (2004) và Vũ Diệu Hương (2004).

[13] Cò đất này được coi là gười trung gian chuyên nghiệp vì đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong việc buôn bán đất đai. Cò đất này đã làm trung gian thành công cho rất nhiều người ở Hà Nội. Khi tôi ở thực địa, cò đất này đã đưa tôi đến một số địa điểm mà cò đất môi giới thành công.

[14] Tên thật của nhân vật đã được thay đổi.

[15]Tiến trình giao dich bắt đầu từ việc người bán yêu cầu một bộ hồ sơ chuyển nhượng từ Ủy ban Nhân dân xã hoặc từ Phòng địa chính của huyện. Hồ sơ bao gồm một bản giấy yêu cầu chuyển nhượng được ký bởi chủ hộ và được phê duyệt của trưởng thôn và Chủ tịch xã; hợp đồng chuyển nhượng được ký bởi người mua và người bán; giấy chứng nhận công nhận rằng không có sự tranh chấp về đường biên xảy ra đối với mảnh đất; giấy chứng nhận của hộ với chữ ký của tất cả các thành viên trong hộ đồng ý bán mảnh đất; giấy chứng nhận của cán bộ địa chính về ranh giới mảnh đất, loại đất, kích cỡ của mảnh đất. Việc thiếu một trong các tài liệu này sẽ dẫn đến trở ngại trong việc giao dịch

[16] Oasis là một hãng của Trung Quốc.

[17] Mảnh đất này là do xã cho bố anh Hi mượn vào khoảng giữa những năm 90 khi ông ấy đang còn là một cán bộ của xã. Vào thời điểm tôi ở thực địa, Chính quyền xã đang chuẩn bị lấy lại mảnh đất này để chia cho các hộ mới tách làm đất thổ cư.

[18] Một số chỉ số chính được người dân sử dụng để phân loại giàu nghèo trong xóm bao gồm tình trạng nhà cửa, diện tích đất canh tác, số đầu lợn và trâu bò, xe máy và ti vi màu.

[19] Nguồn vốn tín dụng của nhà nước được cấp qua kênh của hội phụ nữ xã. Để tiếp cận được với nguồn vốn này, hộ cần vay vốn phải có sự bảo lãnh của hội trưởng cam kết rằng hộ có khả năng trả số vốn này trong thời gian hạn định.

[20] Trong bài viết này, mâu thuẫn được hiểu như là sự không thích nhau hay sự bất đồng về cách sống. Mâu thuẫn ở đây không mang hàm ý bạo lực.