Nguyễn Văn Tiến
 PVT.Vụ Kinh tế, Văn phòng Trung ương Đảng

1. Hệ thống chính trị ở nước ta

Hệ thống chính trị là một chỉnh thể các tổ chức chính trị trong xã hội bao gồm các đảng chính trị, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội hợp pháp được liên kết với nhau trong một hệ thống tổ chức nhằm tác động vào các quá trình của đời sống xã hội, để củng cố, duy trì và phát triển chế độ đương thời phù hợp với lợi ích của chủ thể giai cấp cầm quyền. Hệ thống chính trị xuất hiện cùng với sự thống trị của giai cấp, Nhà nước và thực hiện đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền, do đó hệ thống chính trị mang bản chất giai cấp của giai cấp cầm quyền.

Hệ thống chính trị ở nước ta được hình thành ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công và hoàn thiện, phát triển trong suốt tiến trình cách mạng. Ở nước ta hiện nay, giai cấp công nhân và nhân dân lao động là chủ thể của quyền lực. Hệ thống chính trị vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, đó là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động. Hệ thống chính trị của nước ta gồm nhiều tổ chức, mỗi tổ chức có vị trí, vai trò khác nhau, nhưng có cùng mục tiêu là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống chính trị gồm có:

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng là một bộ phận của hệ thống chính trị nhưng lại là hạt nhân lãnh đạo của toàn bộ hệ thống chính trị. Vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện trên những nội dung chủ yếu sau:

– Đảng đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược, những quan điểm, chủ trương phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời Đảng là người lãnh đạo và tổ chức thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng.

– Đảng lãnh đạo xã hội chủ yếu thông qua Nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng được Nhà nước tiếp nhận, thể chế hoá cụ thể bằng pháp luật và những chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình cụ thể.

– Đảng lãnh đạo xã hội thông qua hệ thống tổ chức Đảng các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Đảng lãnh đạo công tác cán bộ bằng việc xác định đường lối, chính sách cán bộ, lựa chọn, bố trí, giới thiệu cán bộ có đủ tiêu chuẩn vào các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và các đoàn thể quần chúng và các tổ chức chính trị – xã hội.

– Đảng lãnh đạo bằng phương pháp giáo dục, thuyết phục và nêu gương, làm công tác vận động quần chúng, lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ…

(2). Nhà nước là trụ cột của hệ thống chính trị ở nước ta, là công cụ tổ chức thực hiện ý chí và quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân để quản lý toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội. Nhà nước chịu sự lãnh đạo của Đảng thực hiện và đảm bảo đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.

Nhà nước vừa là cơ quan quyền lực, vừa là bộ máy chính trị, hành chính, vừa là tổ chức quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa ViệtNam. Quốc hội do nhân dân trực tiếp bầu ra, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập ra Hiến pháp và luật pháp (lập hiến và lập pháp). Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Quốc hội được gọi là cơ quan lập pháp. Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa ViệtNam.

Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của Nhà nước. Chính phủ là cơ quan chấp hành, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và phải báo cáo công tác với Quốc hội. Trên ý nghĩa đó, Chính phủ được gọi là cơ quan hành pháp.

Cơ quan tư pháp gồm: Toà án, Viện kiểm sát và các cơ quan điều tra. Đây là những cơ quan được lập ra trong hệ thống tổ chức Nhà nước để xử lý những tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật, đảm bảo việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, chính xác.

 Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội là những tổ chức chính trị-xã hội hợp pháp được tổ chức để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản đại diện cho lợi ích của nhân dân, tham gia vào hệ thống chính trị, tuỳ theo tính chất, tôn chỉ, mục đích của mình nhằm bảo vệ quyền lợi dân chủ của nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ đất nước; phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm công dân của các hội viên, đoàn viên, giữ gìn kỷ cương phép nước, thúc đẩy công cuộc đổi mới, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Các tổ chức chính trị – xã hội của nhân dân có nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng, động viên và phát huy tính tích cực xã hội của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị; chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân; tham gia vào công việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, giữ vững và tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần thực hiện và thúc đẩy quá trình dân chủ hoá và đổi mới xã hội, thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Hệ thống chính trị ở nước ta được tổ chức thống nhất, theo một hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Cơ sở phân cấp theo quản lý hành chính gồm có xã, phường, thị trấn. Hệ thống chính trị ở cơ sở bao gồm: Tổ chức cơ sở Đảng, Hội đồng Nhân dân xã, phường; Uỷ ban Nhân dân xã, phường; Mặt trận Tổ quốc xã, phường và các tổ chức chính trị-xã hội khác như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã, phường, thị trấn

2. Biến đổi khí hậu và sự cần thiết vào cuộc của cả hệ thống chính trị ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã hiện hữu và thể hiện ngày càng rõ ràng hơn trong tự nhiên và đời sống xã hội. Những tác động của nó không chỉ là sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, nước biển dâng mà trong cả những cơn cuồng phong của thiên nhiên ngày càng dữ dội hơn.

Trong 10 năm gần đây (1997 – 2006), các loại thiên tai như: bão, lũ, hạn hán và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích gần 7.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP[1]. Mức độ thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường.

Lũ lụt ở Việt Nam xảy ra trên khắp phạm vi cả nước, lũ các sông Bắc Bộ, các sông miền Trung, các sông khu vực Tây Nguyên, các sông miền Đông Nam Bộ và các sông đồng bằng sông Cửu Long.

Việt Nam nằm ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương là một trong những vùng bão với số lượng lớn và cường độ mạnh với xu thế ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong 3 thập kỷ gần đây. Bão là một trong những loại hình thiên tai chủ yếu và nguy hiểm ở Việt Nam, trong vòng hơn 50 năm (1954 – 2006) đã có 380 trận bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó 31% đổ bộ vào Bắc Bộ, 36% đổ bộ vào Bắc và Trung Trung Bộ, 33% đổ bộ vào Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Bão vào thường gặp lúc triều cường nước biển dâng cao, kèm theo mưa lớn kéo dài, gây lũ lụt. Có tới 80 – 90% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão.

 Hạn hán là loại hình thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam và đứng thứ 3 về mức độ thiệt hại sau bão và lũ. Trong những năm gần đây, hạn hán liên tiếp xảy ra ở khắp các vùng trong cả nước. Hạn hán có năm làm giảm từ 20 – 30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Việc chống hạn thường gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước, các hồ chứa nước thượng nguồn cũng bị cạn kiệt. Hạn hán kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ hoang mạc hoá ở một số vùng, đặc biệt là vùng Nam Trung Bộ, vùng cát ven biển và vùng đất dốc thuộc trung du, miền núi.

Trong thời gian dài thiếu độ ẩm đặc biệt khi nhiệt độ tăng cực điểm, nhiều cây trồng vật nuôi bị giảm năng suất hay bị chết. Trong những khu vực có thủy lợi, hạn hán và nắng gắt đòi hỏi lượng nước cung cấp từ các hồ chứa nhiều hơn bình thường. Đối với khu vùc chăn nuôi tập trung như gia cầm và lợn, rủi ro do nhiệt độ cao gây ra sự căng thẳng cho mạng lưới điện cung cấp năng lượng cho hệ thống làm lạnh phục vụ con người và vật nuôi. Trục trặc của hệ thống điện dï chỉ trong thời gian ngắn còng có thể dẫn tới thiệt hại cả đàn vật nuôi trong cả hệ thống chăn nuôi này.

Mưa đá có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho mùa màng trong bất kỳ thời kỳ sinh trưởng nào của cây trồng nhưng sương giá chịu ảnh hưởng vào kỳ phát triển sớm như giai đoạn hình thành trái. Mưa đá là hiện tượng mang tính địa phương và độc lập nên các tổ chức bảo hiểm tư nhân đã tích cực cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với hiện tượng này. Sương giá phần nào đó ít độc lập hơn, tức là thường xuyên diễn ra trên khu vực rộng hơn và các vùng thường xuyên có sương giá có thể xác định được. Chống sương giá nâng cao gía trị mùa màng như cây ăn trái thường xuyên thực hiện (phun nước, đốt khói, thổi gió) cũng như chống sương cho những những cây trồng khác ở những nơi có hệ thống thuỷ lợi được cung cấp thông qua hệ thống phun nước.

Thiên tai và những hậu quả để lại của nó là rất nặng nề, cả về người và của cải vật chất, trực tiếp đối với cả cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân các vùng bị thiên tai. Thiên tai không chỉ gây lên cảnh đói nghèo trước mắt của người dân mà còn có nhiều ảnh hưởng lâu dài, do tài nguyên thiên nhiên bị huỷ hoại, phương tiện bị hư hỏng, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất bị tàn phá, bệnh tật phát sinh, diễn biến phức tạp, môi trường sinh thái bị huỷ diệt, v.v…

Nạn nhân của thiên tai không phải chỉ là người dân trong vùng bị thiên tai mà cả một cộng đồng, các tổ chức và doanh nghiệp, các một địa phương và nền kinh tế – xã hội quốc gia. Tổn thất của các vụ thiên tai lớn có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến mọi người, thậm chí xoá đi những thành quả xoá đói, giảm nghèo phấn đấu trong nhiều năm. Thiên tai luôn đe doạ đến sự phát triển bền vững của ViệtNamnói riêng và nhiều nước đang phát triển nói chung.

Thiệt hại do thiên tai gây ra giai đoạn 2001-2008[2]

Stt

Hạn mục

2001

2002

2003

2005

2006

2007

2008

1

Số người chết, mất tích

629

389

186

394

336

435

538

2

Diện tích lúa bị hư hại (ha)

132.775

46.490

209.764

504.095

139.321

173.830

149.945

3

Hoa màu bị ngập (ha)

85.528

43.698

50.118

160.780

122.560

215.059

325.614

4

Trâu, Bò chết (con)

2.096

8.465

288

1.629

427

1.931

414

5

Lợn chết (con)

53.604

27.732

2.535

6.705

610

246.553

22.006

6

Gia cầm chết (con)

70.015

219.456

93.885

131.747

79.766

2.868.985

1.162.303

7

D/tích hồ nuôi tôm, cá vỡ (ha)

16.615

5.828

14.490

55.691

9.819

17.765

57.199

8

Tàu, thuyền chìm mất (chiếc)

2.033

26

183

383

1.151

266

226

9

……….

…….

…….

……. ……. ……. …….

10

Tổng thiệt hại do thiên tai (tỷ đồng)

3.370

1.958

1.589

5.809

18.565

11.514

13.303

Thiên tai ở Việt Nam là tác nhân gây cản trở trực tiếp tới sự phát triển kinh tế, phát triển bền vững, gia tăng đói nghèo; là trở lực lớn trong quá trình phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ… ViệtNamcó tới hơn 80% dân số có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai.

 Thiên tai xảy ra và đã làm mất đi nhiều thành quả của quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong cả nước. Trong 10 năm gần đây (1997 – 2006), các loại thiên tai như: bão, lũ, hạn hán và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích gần 7.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP. Mức độ thiên tai ở Việt Namngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua (2002 – 2006) thiên tai đã làm khoảng 1.700 người thiệt mạng, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 75.000 tỷ đồng[3].

 Thiên tai làm gia tăng sự phân hoá mức sống dân cư, làm cản trở và làm chậm quá trình xoá đói giảm nghèo, đặc biệt ở những vùng thường xuyên phải đối mặt với thiên tai. Trung bình mỗi năm có hàng triệu lượt người cần cứu trợ do bị thiên tai. Nhiều người trong số họ vừa mới thoát khỏi nghèo đói thì lại bị tái nghèo bởi thiên tai.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông bị ngập chìm nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, khoảng 40 nghìn km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm, trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ngập hầu như hoàn toàn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Namđã công bố các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở ViệtNam. Theo đó, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ ở nước ta có thể tăng 2, 3 độ C so với trung bình thời kỳ 1980 – 1999. Mức tăng nhiệt độ dao động từ 1,6 – 2,8 độ C ở các vùng khí hậu khác nhau. Nhiệt độ các vùng khí hậu phía Bắc và bắc Trung Bộ tăng nhanh hơn so với nhiệt độ ở các vùng khí hậu phíaNam.  Tính chung cả nước, lượng mưa năm vào cuối thế kỷ 21 tăng khoảng 5% so với thời kỳ 1980 – 1999. Trong khi đó, vào giữa thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 30 cm và đến cuối thế kỷ này là 75 cm so với thời kỳ 1980 – 1999.

Theo những tính toán ban đầu: đối với khu vực TP.HCM, nếu mực nước biển dâng thêm 65 cm sẽ có khoảng 128 km2 đất bị ngập (chiếm 6,3% tổng diện tích), nước biển dâng thêm 75 cm sẽ có khoảng 204 km2 bị ngập (chiếm 10% tổng diện tích) và khi nước biển dâng thêm 100 cm sẽ có khoảng 473 km2 bị ngập (chiếm tới 23% tổng diện tích); tại khu vực ĐBSCL, khi nước biển dâng thêm 65 cm sẽ có khoảng 5.133 km2 đất bị ngập (chiếm 13% tổng diện tích), nước biển dâng 75 cm sẽ có 7.580 km2 đất bị ngập (chiếm 20% tổng diện tích) và nếu nước biển dâng thêm 100 cm thì 15.116 km2 đất bị ngập (chiếm 38% tổng diện tích).

Trước những biến đổi của thời tiết khí hậu toàn cầu, nước biến dâng và những hậu quả thiên tai nặng nề xảy ra ttrong những năm vừa qua, Đảng ta đã sớm có những chủ trương về bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (năm 2006) nêu rõ: “Tích cực phục hồi môi trường và các hệ sinh thái bị phá huỷ. Tiếp tục phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ đa dạng sinh học. Quan tâm đầu tư cho lĩnh vực môi trường, nhất là các hoạt động thu gom, tái chế và xử lý chất thải.

Hoàn chỉnh luật pháp, tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên.

Từng bước hiện đại hoá công tác nghiên cứu, dự báo khí tượng – thuỷ văn; chủ động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.”

Những chủ trương đó được cụ thể hoá trong các Nghị quyết chuyên đề ngày một rõ hơn, toàn diện hơn từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, yêu cầu phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội: “Tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách về bảo vệ môi trường, giám sát chặt chẽ việc thực hiện; phòng ngừa, ngăn chặn, không để phát sinh thêm các ô nhiễm mới, xử lý triệt để những điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; có chế tài đủ mạnh đối với các trường hợp vi phạm. Bảo vệ môi trường phải được coi trọng ngay từ đầu và trong suốt quá trình xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Có kế hoạch phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng kế hoạch ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực do sự biến đổi khí hậu”[4]. Khẩn trương “Xây dựng kế hoạch phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cức do biến đổi khí hậu”.

Năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai phải từng bước được tăng cường về cả dự báo, xây dựng kế hoạch, các công trình phòng tránh thiên tai: “Nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động triển khai một bước các công trình giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn, ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng”[5].

Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu. Mục tiêu là “đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các bon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất”.

Đánh giá được mức độ biến đổi của khí hậu Việt Nam do biến đổi khí hậu toàn cầu và mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương; Xác định được các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; Củng cố và tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực; Tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành và địa phương; Xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động của các Bộ, ngành và địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai các dự án.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai nhà nước đã thành lập Ban phòng chống bão lụt Trung ương, xây dựng và thực hiện Chương trình bố trí dân cư, các chính sách hỗ trợ thiên tai bão lụt, huy động cả hệ thống chính trị, các cá nhân, tổ chức và công đồng quốc tế tham gia khắc phục hậu quả bão lụt, thiên tai.

Năm 2003, đã xảy ra bão, lốc, mưa lũ, sạt lở đất tại nhiều địa phương, gây thiệt hại về người và tài sản. Tổng thiệt hại ước tính trên 2.000 tỷ đồng. Chi từ ngân sách nhà nước để khắc phục hậu quả thiên tai năm 2003 là 631,9 tỷ đồng, chiếm 32% tổng số thiệt hại[6]. Năm 2006, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là 18.565,661 tỷ đồng, NSNN hỗ trợ 1.078,15 tỷ đồng, chiếm 5,80% tổng thiệt hại[7]. Năm 2007, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là 11,9 nghìn  tỷ đồng, NSNN hỗ trợ 2,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,55% tổng thiệt hại[8].

Tổng số kinh phí Ngân sách trung ương đã hỗ trợ Ngân sách địa phương để phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai, dịch bệnh giai đoạn 2003-2008:

Năm

Số tiền hỗ trợ (tỷ đồng)

2003

733,8

2004

1.199,1

2005

1.366,1

2006

1.994,1

2007

2.953,6

2008

3.938,9

Tổng

12.185,9

Tuy nhiên, Biến đổi khí hâu, phòng chống thiên tai, nước biển dâng mới được khởi động theo chương trình, kế hoach trong những năm gần đây. Nhận thức đầy đủ về biến đổi khí hậu trong đại bộ phận nhân dân còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư còn thấp, sự phối hợp hành động chưa đồng bộ đòi hỏi phải có những hành động khẩn trương hơn, đồng bộ hơn trong thời gian sắp tới.

3. Đề xuất

3.1. Quan điểm, chủ trương

– Ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội của các cấp, các ngành là một quan điểm của Chương trình. Các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng được khuyến khích chủ động tham gia vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là lĩnh vực thông tin, giáo dục và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu.

– Môi trường và biến đổi khí hâu, phòng chống thiên tai phải trở thành một chủ trương, giải pháp lớn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 và trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của cảc nước, vùng, và từng địa phương, đảm bảo đầu tư các kết cấu hạ tầng trong những năm sắp tới từ vốn đầu tư toàn xã hội được sử dụng có hiệu quả bền vững.

3.1. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước

– Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các cơ quan quản lý chuyên ngành.

– Xây dựng và bổ sung kịch bản biến đổi khí hậu ở ViệtNam. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ  cho công tác ứng phó với biển đổi khí hậu và biển dâng.

– Có Chương trình phòng chống thiên tai và ứng phó với mực nước biển dâng. Biển dâng là một quá trình nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt sự biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu, quá trình mực nước biển dâng sẽ diễn ra ngày càng nhanh.

Để ứng phó tốt nhất cần khảo sát nắm rõ tình hình cụ thể của địa bàn, khả năng bảo vệ có hay không, tính khả thi và hiệu quả tổng hợp kinh tế, xã hội, văn hóa của phương án ứng phó. Cần đầu tư xây dựng và củng cố hệ thống đê biển, di dời và xây dựng các khu dân cư và đô thị có khả năng thích ứng cao với nước biển dâng.

Cần phải tính tới yếu tố ổn định của địa chất và yếu tố biển dâng trong thực hiện quy hoạch, dự án ở những vùng ven biển, cửa sông; rà soát lại các quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành tại các địa bàn phải đối mặt với biển dâng; Có chương trình xây dựng, bảo vệ vùng ven biển, vùng miến núi thường sảy ra sạt đất, lũ quét, thực hiện tốt Chương trình bố trí dân cư, Chuơng trình nước sạch nông thôn, Chương trình trồng rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển;

– Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý, về biến đổi và ứng phó với biến đổi khí hậu.

3.3. Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu trong cộng đồng và cả hệ thống chính trị, trước tiên là trong bộ máy quản lý nhà nước để tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và sự phối hợp cần thiết trong ứng phó.

Nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân và có kế hoạch phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hâu. Nhận thức đó phải đến từng người dân,cụ thể là trên địa bàn mà họ đang sinh sống, các tác động của biến đổi khí hậu mà họ sẽ gặp là gì, và cần chuẩn bị ứng phó ra sao để chủ động và phát huy được tính tích cực và sáng tạo của người dân.

Các tác động của biến đổi khí hậu lên mỗi vùng sinh thái-kinh tế, ngoài những điểm chung, do các đặc thù địa l‎ý của vùng, có những đặc điểm riêng không giống với các tác động lên các vùng sinh thái-kinh tế khác.

Để công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, nâng cao hiểu biết và tính chủ động của người dân và cán bộ trên địa bàn bằng nhiều hình thức: giới thiệu, tổ chức họp, qua các phương tiện truyền thông, báo chí để người dân hiểu rõ các tác động của biến đổi khí hậu lên vùng, các thách thức mà người dân trong vùng cần vượt qua.

Biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay là vấn đề mang tính toàn cầu. Hiểu rõ tác động của biến đổi khí hậu lên môi trường và tìm cách ứng phó có hiệu quả nhất là hành động không của riêng ai, nó đòi hỏi sự phối hợp hành động của mọi cá nhân, tổ chức, của cả hệ thống chính trị./.


[1] Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16  tháng 11  năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

[2] Nguồn: Đối tác giảm nhẹ thiên tai

[3] Nguồn: tham khảo Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020

[4] . Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thi trường XHCN.

[5] . Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

[6] Nguồn: Báo cáo khả thi DA UNDP-VIE/01/014 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì về nâng cao năng lực giảm nhẹ thiên tai ở ViệtNam.

[7] Nguồn: Cục quản lý đề điều và phòng chống lụt bão ViệtNam

[8] Nguồn: Thông cáo báo chí  ngày31/12/2007 của Tổng cục Thống kê về số liệu KT-XH năm 2007