GS.TS. Lê Trọng Cúc

Ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 1985), Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường đã tham gia vào các hoạt động nghiên cứu về miền núi và trung du phía Bắc. Trung tâm đã tham gia Chương trình cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường” (5202) với nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng các hệ sinh thái mới có năng suất sinh học cao ở vùng trung du Việt Nam”. Trong chương trình này, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu các mô hình nông lâm kết hợp – RVAC, chủ yếu là ở Vĩnh Phú (cũ). Nghiên cứu của Trung tâm cho thấy, cấu trúc của mô hình RVAC ở vùng đồi thì rừng thường được bố trí ở phần đỉnh đồi. Nằm giữa rừng và vườn nhà ở chân đồi là sườn đồi, thường được bố trí cây công nghiệp như chè hay cây nông nghiệp như lúa, ngô, sắn, v.v…

Theo đường đồng mức. Chân đồi thường phát triển vườn nhà theo mô hình VAC. Vườn nhà thường hỗn hợp nhiều loài cây ăn quả như mít, vải, nhãn, hồng, bưởi, v.v…, các loại rau đậu, chuối, ao nuôi cá, chuồng nuôi lợn, trâu bò. Cuối cùng là lũy tre bao đồi, bảo vệ đất chống xói mòn, bồi lắng hồ đập, ruộng lúa trong thung lũng, vừa cho nguyên liệu làm đồ mỹ nghệ. Mô hình RVAC rất hứa hẹn cho vùng đồi núi, trong đó trồng rừng hỗn loài, tái sinh rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn trên đỉnh đồi là giá trị nhất đối với môi trường. Rừng hỗn loài, phức tạp, rất thích hợp về mặt sinh thái, điều hòa chế độ thủy văn. Nghiên cứu này của Trung tâm trong khuôn khổ Chương trình 5202, đã góp phần xây dựng chính sách của Nhà nước nhằm giảm xói mòn, tăng cường phòng hộ, cung cấp củi đun, nguyên liệu giấy và xây dựng, v.v…

Năm 1989, Trung tâm đã tham gia Mạng lưới Nghiên cứu Hệ sinh thái Nông nghiệp các Trường Đại học Đông Nam Á – SUAN (Southeast Asian Universities Agroecosystem Network). Các thành viên khác của Mạng lưới là các trường đại học nổi tiếng của Đông Nam Á như Đại học Losbanos (Philipin), Đại học Chiangmai và Khonkaen (Thái Lan), Đại học Jakarta (Inđônêxia). Mạng lưới còn có sự tham gia của Trung tâm Đông – Tây (EWC) và Trường Đại học Berkeley của Hoa Kỳ.

Trong thời gian này, Trung tâm đã hợp tác với Mạng lưới SUAN tổ chức hàng loạt hội thảo khoa học về “Nhận thức về sinh thái nhân văn” và tổ chức các nghiên cứu thực địa sử dụng phương pháp tiếp cận sinh thái nhân văn bước đầu ở 3 huyện của tỉnh Vĩnh Phú. Sản phẩm của nghiên cứu này đã được xuất bản bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh “Hệ sinh thái nông nghiệp trung du miền Bắc Việt Nam (Agroecosystems of the Midlands of Nothern Vietnam: A Report on a Preliminary Human Ecology Field Study of Three District in Vinhphu Province). Có thể nói đây chính là thời kỳ phát triển và lớn mạnh của Trung tâm về nghiên cứu miền núi và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu miền núi.

Nhận thấy tầm quan trọng của hướng nghiên cứu về miền núi, năm 1992, Trung tâm đã quyết định chính thức thành lập Tổ Công tác Miền núi (UWG). Sau khi thành lập, Tổ Công tác Miền núi đã tập trung vào các nghiên cứu sinh thái nhân văn và xu hướng phát triển vùng núi phía Bắc Việt Nam. Đến năm 1994, Tổ Công tác Miền núi đã mở rộng hợp tác với các trường đại học như Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Nông nghiệp I, Đại học Vinh và Đại học Nông Lâm Huế thành Mạng lưới Công tác Miền núi (UWN). Mạng lưới công tác miền núi đã tiến hành một loạt nghiên cứu toàn diện trên khắp vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ của Việt Nam.

Có thể kể đến các chương trình nghiên cứu dài hạn do Tổ Công tác tiến hành từ 1994-2001:

Chương trình nghiên cứu “Tác động của cải cách kinh tế lên phục hồi sinh thái ở trung du miền Bắc Việt Nam” tại 3 huyện Thanh Hòa, Đoan Hùng và Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (cũ): Nghiên cứu này thực hiện trong khuôn khổ hợp tác với Mạng lưới SUAN. Sản phẩm chương trình nghiên cứu này được Trung tâm Đông – Tây (Honolulu, Hoa Kỳ) xuất bản bằng tiếng Anh “Red Book, Green Hills: The Impact of Economic Reform on Restoration Ecology in the Midlands of Northern Vietnam”. Các hoạt động khác được thể hiện trong các ấn phẩm như: Nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường Bình Trị Thiên, 1996; Tiếp cận sinh thái nhân văn và phát triển bền vững miền núi Tây Nam Nghệ An, 1997; Sử dụng GIS và viễn thám trong đánh giá hiện trạng sử dụng đất ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, miền núi phía Bắc Việt Nam dưới quan điểm sinh thái và phát triển bền vững của người dân địa phương, 1995-1996; và Tác động của cải cách kinh tế lên thực tiễn sử dụng đất của nông dân trong ba bản người Thái ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, 1997-1999.

Chương trình “Nghiên cứu những xu hướng phát triển ở vùng núi phía Bắc Việt Nam”: Đây là nghiên cứu tư vấn cho Bộ Nông nghiệp, được tiến hành theo hợp đồng với Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế của Thụy Điển (SIDA). Tổ Công tác Miền núi đã phối hợp với Chương trình Môi trường của Trung tâm Đông – Tây tiến hành nghiên cứu này. Mục đích của nghiên cứu này là tạo ra sự hiểu biết tốt hơn về quá trình phát triển ở vùng núi rộng lớn phía Bắc Việt Nam, nhằm phân tích các yếu tố và cơ chế ở các cấp độ khác nhau từ hộ gia đình đến quốc gia đã ảnh hưởng tới việc quản lý tài nguyên như thế nào; đặc biệt là nhằm cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về các động thái phát triển của các cộng đồng dân tộc vùng núi ở 5 tỉnh có chương trình hợp tác Lâm nghiệp Việt Nam – Thụy Điển (FCP): Vĩnh Phú (cũ), Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Hà Giang. Sản phẩm của nghiên cứu này là cuốn sách “Development Trends in Vietnam’s Northern Mountain Region: An Overview and Analysis” do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành vào năm 1997.

Chương trình nghiên cứu “Quan trắc xu hướng phát triển vùng núi phía Bắc Việt Nam” (Project on Monitoring Development Trends in Vietnam’s Mountain Region): Nghiên cứu này do Tổ Công tác Miền núi thực hiện theo thỏa thuận giữa Chương trình phát triển Nông thôn Miền núi Việt Nam – Thụy Điển (MRDP) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Thụy Điển (SIDA), với sự cố vấn kỹ thuật của Trung tâm Đông – Tây. Mục đích của nghiên cứu này là thu thập số liệu về điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường ở các cộng đồng mẫu được lựa chọn, đặc trưng cho sự đa dạng sinh thái nhân văn của vùng núi phía Bắc Việt Nam. Những số liệu này được thu thập và xây dựng, làm cơ sở cho việc theo dõi sự thay đổi của các cộng đồng trong tương lai, nhờ đó có thể kiếm soát được những xu hướng phát triển trong nhiều năm tiếp theo. Đây là nghiên cứu mang tính chiến lược với dụng ý để hiểu biết hơn về tình hình phát triển chung ở vùng núi phía Bắc. Sản phẩm của nghiên cứu này là hai cuốn sách: “Vùng núi phía Bắc Việt Nam, một số vấn đề về môi trường và kinh tế-xã hội” và “Bright Peaks, Dark Valleys: A Comparative of Environmental and Social Conditions and Development Trends in Five Communities in Vietnam’s Northern Mountain Region” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội phát hành năm 2001.

Cuối năm 2002, Tổ Công tác Miền núi đã tập hợp các nghiên cứu của nhóm, cùng với sự đóng góp của hơn 30 nhà khoa học và quản lý thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường trong cuốn “Phát triển bền vững miền núi Việt Nam: 10 năm nhìn lại và những vấn đề đặt ra” do Nhà Xuất bản Nông nghiệp phát hành.

Sau đó là thời kỳ các nghiên cứu về miền núi “chuyển vùng” vào miền Trung, mặc dù vẫn có một số nghiên cứu thực hiện tại vùng núi phía Bắc. Trong những năm gần đây, các hoạt động nghiên cứu miền núi chuyển sang hướng ứng dụng kết quả nghiên cứu vào các hoạt động phát triển tại chỗ, như nâng cao năng lực quản lý và bảo tồn của khu bảo tồn thiên nhiên, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương nhằm phục hồi hệ sinh thái và sử dụng đất rừng và các vùng đất bị suy thoái do chất độc trong chiến tranh. Chương trình “Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững tài nguyên miền núi” tại các vùng chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học tại miền Trung Việt Nam là chương trình dài hạn do Quỹ Ford tài trợ.

Nhìn lại 25 năm nghiên cứu phát triển miền núi Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường và Tổ Công tác Miền núi đã trải qua những giai đoạn hoạt động với những thay đổi trong mục tiêu, phương hướng và khu vực nghiên cứu, nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của đất nước. Bắt đầu bằng những đề tài mang tính nhiệm vụ riêng lẻ, nằm trong các chương trình cấp Nhà nước, rồi từ đó xây dựng nên một tổ công tác nghiên cứu miền núi, hợp tác với nhiều tổ chức nghiên cứu trong nước và mở rộng hợp tác với các tổ chức nghiên cứu nước ngoài, thực hiện các đề tài có định hướng và có lý luận khoa học mang tính liên ngành, hệ thống, cơ bản và hàn lâm hơn, trên cơ sở lý thuyết sinh thái nhân văn. Kết quả nghiên cứu đã mang lại những hiểu biết về miền núi sâu sắc hơn, tường tận hơn và toàn diện hơn.

Tựu trung lại, thay đổi cơ cấu nhận thức là vấn đề cốt yếu. Để giải quyết vấn đề này, cần phải thiết lập một cơ sở có quy mô lớn hơn và có tầm ảnh hưởng rộng hơn ở cấp “viện”. Cho đến nay, chúng ta chưa có một viện hay một cơ quan nghiên cứu tương ứng về miền núi. Các chủ trương, chính sách có nhiều, các dự án phát triển miền núi có nhiều, các chương trình hỗ trợ miền núi có nhiều, nhưng hầu như không có một cơ sở nghiên cứu chính thống nào cho miền núi, không có một chương trình nghiên cứu cơ bản, dài hạn nào cho miền núi có tính hệ thống, khâu nối các vấn đề lại với nhau để đề ra một chiến lược phát triển miền núi đồng bộ. Bởi vì, các nghiên cứu chuyên ngành chỉ mới thấy được triệu chứng của vấn đề, mà nghiên cứu các mối tương tác giữa các yếu tố mới thấy được xu hướng và tốc độ phát triển của toàn bộ hệ thống. Vì vậy, cần một cơ sở nghiên cứu có tính hệ thống cho miền núi. Không có các nghiên cứu này thì sẽ phát triển một cách mò mẫm, đơn lẻ, áp dụng một cách mơ hồ, ít có cơ sở khoa học.