GS.TS. Ngô Đức Thịnh

1. Phát triển và xã hội phát triển 

Nếu như khái niệm “phát triển” là một thuật ngữ được hình thành từ sau thế chiến thứ hai, chứa đựng nội dung sự thay đổi xã hội và kinh tế, thì các chính sách thực hành sự phát triển lại có lịch sử lâu dài hơn. Ngay từ thời thịnh hành của chủ nghĩa thực dân, sứ mạng “phát triển”, “khai hoá văn minh” của các đế quốc đối với thuộc địa của họ ở châu Phi, châu Á, Mỹ La – Tinh cũng đã được rao giảng. Từ sau thế chiến thứ hai, khái niệm phát triển được sự ủng hộ và đề cao ở các nước Âu-Mỹ, đặc biệt là ở Mỹ, thông qua các học thuyết Truman, kế hoạch Marshall đối với Châu Âu, cùng với nó là các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới … tham gia tích cực vào các chương trình phát triển này.

Vào già nửa đầu thế kỷ XX, nhất là sau thế chiến thứ hai, trong khung cảnh xã hội công nghiệp hoá theo mô hình phát triển của Mỹ, người ta thường đồng nhất khái niệm xã hội phát triển với phát triển về kinh tế hay cụ thể hơn là tăng trưởng kinh tế. Lúc này, cuộc thi đua kinh tế thắng thua giữa các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa cũng được quy về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế theo các chỉ tiêu nói trên. Đó là tư tưởng của thời kỳ lấy tăng trưởng kinh tế làm đầu, mà lúc đó những con người theo đuổi tư tưởng phát triển xã hội như vậy là “con người kinh tế” .

Tuy nhiên, tư tưởng phát triển xã hội lấy tăng trưởng kinh tế làm nền tảng ấy cũng gặp phải những bất cập, nhất là đối với các nước thế giới thứ ba, các nước đang phát triển. Cũng cần phải nói ngay rằng, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở các nước Châu Âu tư bản chủ nghĩa vào thế kỷ XVII-XIX đều dựa trên một nguồn lực rất quan trọng là bóc lột các nước thuộc địa ở Châu Á, Châu Phi, Mỹ La – Tinh. Với các quan niệm và chính sách phát triển này, nhiều khi cùng với sự giàu lên nhanh chóng của các nước công nghiệp phát triển, lại là sự nghèo đói và “lạc hậu hoá”, sự phụ thuộc của các nước được coi là kém phát triển vào các nước công nghiệp phát triển. Do vậy, một nghịch lý đã và đang đặt ra, đó là cùng với các chương trình phát triển, thì ở một cực này, con người càng giàu lên, còn ở cực kia con người càng nghèo đi. Hố ngăn cách giàu nghèo trên thế giới không những không thu hẹp mà càng khoét sâu thêm.

Sự thất bại và kém hiệu quả của quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá dựa trên tư tưởng “tăng trưởng kinh tế” thuần tuý theo mô hình Âu-Mỹ khiến người ta phải nhìn nhận lại chủ kiến này. Một sức ép khác ở tầm vĩ mô, đó là càng ngày người ta càng đặt lại vấn đề về con đường phát triển của nền văn minh nhân loại. Cũng vào các thập kỷ nửa sau thế kỷ XX, sự khủng khoảng của nền văn minh nhân loại ít nhất cũng được bộc lộ rõ nét trên hai phương diện: Thứ nhất, đó là môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh đang bị chính cách khai thác để phục vụ sự tăng trưởng kinh tế của chúng ta huỷ hoại nghiêm trọng, những thảm họa môi trường, như bão, lũ lụt, hiện tượng nóng lên toàn cầu … đã và đang diễn ra. Thứ hai, đó là cách ứng xử mang nặng tính bạo lực, cực quyền, chèn ép “cá lớn nuốt cá bé”, chiến tranh, khủng bố diễn ra ở hầu khắp mọi châu lục. Điều này càng ngày càng trở nên thường xuyên tác động tới mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi con người trên hành tinh này, khiến chúng ta cần xem xét lại con đường chúng ta đi rồi sẽ dẫn nền văn minh nhân loại tới đâu ?

Tất nhiên, con người sẽ thức tỉnh trước những thách thức của hoàn cảnh. Từ các thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX tới nay, người ta đã bắt đầu xem xét lại cách xác định theo hướng “kinh tế luận” về phát triển xã hội, để từ đó đưa ra một quan điểm phát triển hợp lý hơn. Theo Tuyên bố thiên niên kỷ của Liên hợp quốc năm 2000, một xã hội phát triển cần phải được thể hiện trên ba phương diện, đó là :

– Tăng trưởng kinh tế bền vững

– Chất lượng sống của con người được đảm bảo và nâng cao

– Bản sắc văn hoá dân tộc được bảo tồn, làm giàu và phát huy .

Đúng là một xã hội phát triển phải trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, mà ngày nay nó được thể hiện trên chỉ tiêu GDP tăng hợp lý hằng năm. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế phải là sự tăng trưởng bền vững trên cơ sở môi trường thiên nhiên được bảo vệ và khai thác hợp lý, “nguồn tài nguyên trí tuệ” của con người vừa được khai thác, phát huy, nhưng vẫn càng ngày càng được bồi bổ và nâng cao, chứ không phải bị bóc lột cạn kiệt như thời kỳ công nghiệp hoá trước đây.

Chất lượng sống của con người là một nhân tố quan trọng trong quan niệm xã hội phát triển, nó thể hiện trên các phương diện, như chăm sóc y tế, sức khoẻ của công dân, giáo dục, trình độ dân trí, an sinh xã hội, nhân quyền, sự tiện lợi trong các dịch vụ đời sống, bình đẳng giới… Thực tế cho thấy, không nhất thiết một xã hội có tăng trưởng kinh tế cao thì chất lượng sống của con người được đảm bảo và nâng cao tương ứng; mà thường ở các nước thế giới thứ ba, các nước đang phát triển, cùng với tăng trưởng kinh tế thì nhiều phương diện về chất lượng sống bị suy giảm. Điều này còn thấy ở cả các nước tư bản phát triển, các vấn đề bạo lực, khủng bố, an ninh xã hội, kỳ thị chủng tộc và văn hoá đang có nguy cơ gia tăng. Do vậy, trong sự đảm bảo chất lượng sống của con người ở một xã hội cụ thể thì tăng trưởng kinh tế không phải là nhân tố quyết định duy nhất, mà nó còn phụ thuộc vào chế độ xã hội, cách tổ chức và quản lý xã hội. Và hơn nữa, còn là cái nền tảng văn hoá, đạo đức của một xã hội.

Đặc biệt là, vấn đề bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hoá đã được đưa vào nội dung của khái niệm phát triển xã hội. Theo chúng tôi, điều này bao gồm hai ý nghĩa: Thứ nhất, bản sắc văn hoá được hiểu như là một động lực của sự phát triển, đó là nhân tố nội lực của sự phát triển. Thứ hai, bản sắc được coi như là mục đích của sự phát triển, có nghĩa là mỗi xã hội, mỗi cộng đồng dù phát triển tới đâu vẫn đảm bảo sự nhất quán và thống nhất của cộng đồng đó, phân biệt với cộng đồng khác.

Như vậy, khác với quan niệm cũ của “con người kinh tế”, quan niệm phát triển xã hội lần này đã đưa nhân tố văn hoá vào thành nội dung của sự phát triển, và được thể hiện với các mức độ khác nhau ở cả ba tiêu chí: phát triển bền vững (con người và môi trường), chất lượng sống và nhất là nhân tố bản sắc văn hoá trong phát triển xã hội.

 2. Hiện đại hoá, tính hiện đại và tính hiện đại đa dạng

  Cũng giống như “phát triển”, “hiện đại” hay “tính hiện đại” cũng gây nhiều tranh cãi trong các nhà khoa học xã hội. Tính hiện đại được định nghĩa là “Những ý tưởng, các thiết chế gắn liền với sự tiến bộ và phát triển theo lối phương Tây”. Lúc đầu, khái niệm “hiện đại” để chỉ một khát vọng để trở nên “thời thượng”, “cập nhật”, khiến cho một số cộng đồng sẵn sàng từ bỏ các giá trị truyền thống của họ, được quan niệm là đối lập với “hiện đại”, để được xếp, hay tự mình xếp vào hạng dân “hiện đại”. Cũng có bộ phận cư dân bị lôi kéo vào quá trình “hiện đại hoá” một cách không tự nguyện, thông qua các dự án phát triển do các tổ chức quốc tế hay các công ty xuyên quốc gia tài trợ, bởi sức hấp dẫn của chủ nghĩa tiêu thụ… Về sau, quá trình hiện đại hoá gắn liền với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, với chủ nghĩa cá nhân, sự thành đạt và lối suy nghĩ theo kiểu duy lý phương Tây tư bản chủ nghĩa. Và cũng giống như quan niệm phát triển, “hiện đại hoá”, “tính hiện đại” (dùng cho số ít) hàm chứa nội dung “vật chất”, “kỹ thuật” và “kinh tế”, gắn với thiết chế xã hội mang nặng tính quan liêu. Kết quả của quá trình này là các nước hiện đại hoá, xã hội mang nhiều tính hiện đại lại bị phụ thuộc nhiều vào các nước công nghiệp hiện đại Âu-Mỹ.

Trong xu hướng hiện đại hoá theo mô hình “kinh tế”, “kỹ thuật” phương Tây như vậy, về quan niệm, người ta thường đối lập giữa “cái truyền thống” với “cái hiện đại”, khiến cho quá trình phát triển của một xã hội là sự lựa chọn giữa truyền thống hay hiện đại. Cũng không ít trường hợp như ở nước ta, trong quan niệm xã hội có sự đồng nhất “hiện đại hoá” với “phương Tây hoá” .

Trong sự thay đổi mang tính bước ngoặt ấy của quan niệm “hiện đại hoá” và “tính hiện đại”, chúng ta thấy dần hiện lên nền tảng văn hoá của hiện đại hoá, của tính hiện đại. Từ chỗ coi quá trình “hiện đại hoá” mang nặng tính khách thể, tức coi trọng khía cạnh phương tiện vật chất, kỹ thuật và kinh tế, mà thường là xuất phát từ mô thức phương Tây tư bản chủ nghĩa, nhiều khi mang tính áp đặt, “đồng hoá cưỡng bức”, người ta ngày càng nhận rõ vai trò của chủ thể hiện đại hoá. Đó là vai trò của con người, của xã hội, mà con người và xã hội ở đây không phải là con người và xã hội chung chung, mà là con người và xã hội thuộc về các dân tộc, các quốc gia, các địa phương với các truyền thống, các điểm mạnh và yếu khác nhau. Chính xuất phát từ góc độ chủ thể hay nói cách khác, từ góc độ con người và văn hoá của hiện đại hoá mà mô hình và quá trình hiện đại hoá cũng mang tính đa dạng, cũng như tính hiện đại của một xã hội cũng mang tính đa dạng. Người ta đã dần chuyển khái niệm “hiện đại hoá”, “tính hiện đại” từ dạng số ít sang số nhiều.

Từ việc phân tích các quá trình hiện đại hoá và tính hiện đại theo hướng đa dạng hoá, các nhà nghiên cứu cũng càng ngày càng nhận ra vai trò của những đặc thù dân tộc, quốc gia, đặc thù địa phương đối với sự phát triển nói chung và quá trình hiện đại hoá nói riêng. Thế giới trong thế kỷ XX đã chứng kiến hai xu hướng phát triển mang bản chất khác nhau, tuy nhiên có điểm chung là mang tính nhất loạt và áp đặt. Đó là xu hướng phương Tây hoá tư bản chủ nghĩa đối với thế giới, thể hiện qua chủ nghĩa trung tâm châu Âu và chủ nghĩa tự do Mỹ. Một xu hướng khác của phong trào Cộng sản thế giới . Hai xu hướng này đều coi nhẹ tính đặc thù xã hội và văn hoá trong phát triển và hiện đại hoá, do vậy hiệu quả của quá trình này đều bị hạn chế, thậm chí thất bại.

3. Tiến tới quan niệm “văn hoá điều tiết sự phát triển”

Qua các lý thuyết về phát triển và hiện đại hoá, chúng ta nhận thức rõ hơn về vai trò nhân tố văn hoá trong phát triển. Ở nước ta, Hội nghị lần thứ 5, khoá VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” đã khẳng định vai trò của văn hoá trong phát triển xã hội. Đó là : Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu đồng thời là động lực của phát triển xã hội. Có thể nói, đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt văn hoá vào vị trí quan trọng đối với sự phát triển xã hội, điều này vừa phản ánh nhận thức của Việt Nam và đồng thời cũng phản ánh nhận thức của thế giới về nhân tố văn hoá trong phát triển, thể hiện qua thập kỷ văn hoá của UNESCO, mà mục tiêu của nó là làm thức tỉnh ý thức nhân loại về nhân tố văn hoá và khuyến nghị các nhà lãnh đạo các quốc gia đưa nhân tố văn hoá vào các chương trình phát triển. Tất nhiên, để hiểu rõ hơn vai trò của văn hoá trong phát triển xã hội thì về phương diện nhận thức lý luận, chúng ta cũng cần làm rõ thế nào là văn hoá, bởi cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.

Rõ ràng, sự khẳng định vai trò của văn hoá trong phát triển như trên là khá mạnh mẽ, tuy nhiên cũng không tránh khỏi xu hướng một chiều. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì vào các thập kỷ trước, quan điểm của thế giới cũng như của nước ta đều coi văn hoá như là hệ quả của phát triển, là cái “đuôi” của phát triển, thậm chí trong xây dựng các chương trình phát triển, thì văn hoá thường không có trong tư duy của những người hoạch định kế hoạch.

Như mọi người đều rõ, “văn hoá”, “truyền thống”, “bản sắc dân tộc, bản sắc văn hoá” tác động đến xã hội không thuần tuý một chiều là thúc đẩy, tạo động lực, mà có khi lại là nhân tố cản trở, níu kéo, kìm hãm. Thậm chí cùng một nhân tố văn hoá, truyền thống hay bản sắc, nhưng nó có thể tác động đến xã hội theo cả hai chiều hướng khác nhau. Thí dụ, truyền thống cố kết cộng đồng của làng xã, trong điều kiện xã hội hiện đại, một mặt nó là chất kết dính, tạo nên sức mạnh cộng đồng giúp cộng đồng vượt qua một số thử thách trong chống ngoại xâm, khắc phục thiên tai; nhưng mặt khác, nó lại là cản trở trong phát huy sức sáng tạo, bứt phá của cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường…

Chúng tôi đặt nhân tố văn hoá vào vị trí hệ điều tiết sự phát triển xã hội là bao hàm hai khía cạnh: trước nhất, mọi sự phát triển đều chịu sự tác động ở mức độ khác nhau của nhân tố văn hoá; thứ hai, sự tác động đó theo chiều tích cực hay tiêu cực, thậm chí đồng thời cả hai chiều hướng đó.

Nếu nói văn hoá là một hệ điều tiết phát triển, thì cái “màng lọc” của hệ điều tiết đó chính là hệ giá trị của văn hoá. Điều đó hàm chứa ý nghĩa là, hệ giá trị không thể tồn tại và phát huy tác dụng nếu nó không tồn tại trong một nền văn hoá cụ thể hay ngược lại, hệ giá trị bao giờ cũng thuộc về một nền văn hoá nào đó. Nói cách khác, văn hoá, bản sắc văn hoá bao giờ cũng thông qua hệ giá trị để điều tiết sự biến đổi của xã hội.

Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá trong môi trường tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử – xã hội cụ thể bao giờ cũng tạo nên một hệ giá trịcho mình. Do vậy, nó là kết tinh của mỗi nền văn hoá, thường được biểu hiện, tiềm ẩn trong các biểu tượng và tới lượt nó, hệ giá trị và biểu tượng ấy định hướng, chi phối hoạt động của con người trong mỗi cộng đồng.

Khổng giáo ở Trung Quốc và các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, trong đó có Việt Nam, khuyến khích con người tu dưỡng cá nhân, nhất là tinh thần học tập và chính thông qua học tập là con đường tiến thân của mỗi con người, dù người đó xuất thân từ tầng lớp xã hội nào. Đó chính là một trong các giá trị của văn hoá Khổng giáo góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển của các xã hội kể trên, trong quá khứ cũng như trong xã hội hiện tại.

Trong văn hoá truyền thống Việt Nam, tinh thần cởi mở trong học hỏi, tiếp thu, cải biến văn hoá tiếp thu từ bên ngoài là một giá trị đáng quý, khiến văn hoá, dân tộc Việt Nam có sức sống trường tồn, vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt của lịch sử. Nó cũng là điểm mạnh, khả dĩ có bù đắp điểm yếu khác, đó là thiếu tư duy lý luận mang tính lập ngôn, lập thuyết. Chính giá trị này đã và đang là sức mạnh giúp chúng ta học tập, đi tắt, đón đầu các trào lưu tiến bộ của nhân loại trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực đó cũng phải khắc phục mặt hạn chế, đó là tính tuỳ tiện, nửa vời, học không đến nơi đến chốn của một số người Việt Nam.

Vai trò điều tiết của văn hoá thông qua hệ giá trị là một tất yếu khách quan, sản phẩm của quá trình lịch sử mỗi dân tộc; tuy nhiên, điều đó không phải là cái bất biến, mà chúng ta, với tư cách là chủ thể xã hội và văn hoá, một khi đã nhận thức được nó, hoàn toàn có thể tác động theo chiều hướng thúc đẩy, khai thác các mặt, các giá trị tích cực, hạn chế các mặt, các giá trị mang tính tiêu cực, nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn