Lê Trọng Cúc và A.Terry Rambo

Đây là báo cáo cuối cùng của dự án Giám sát xu hướng phát triển ở Miền núi phía Bắc Việt Nam của Nhóm nghiên cứu miền núi, Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội.  Miền núi phía Bắc Việt Nam bao gồm một vùng rộng lớn trải dài từ biên giới Việt Nam với Trung Quốc ở phía Bắc tới tận phía Nam tỉnh Nghệ An ở miền Trung. Đây là nơi cư trú của rất nhiều nhóm dân tộc thiểu số và cũng là vùng nghèo nhất của Việt Nam. Chính vì vậy Miền núi phía Bắc là điểm trọng yếu trong sự quan tâm phát triển của Đảng và nhà nước Việt Nam cũng như của rất nhiều các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế.

Dự án này được thiết kế để thu thập số liệu về điều kiện môi trường và xã hội ở các cộng đồng mẫu được lựa chọn đặc trưng cho sự đa dạng sinh thái nhân văn của miền núi phía Bắc. Những dữ liệu này được thu thập nhằm xây dựng cơ sở cho việc theo dõi sự thay đổi của các cộng đồng trong tương lai nhờ đó mà có thể kiểm xoát được những xu hướng phát triển của vùng núi phía Bắc trong những năm tới. Chúng tôi tin tưởng rằng trong một tương lai không xa SIDA sẽ hỗ trợ cho việc tái nghiên cứu  những cộng đồng này, cho phép chúng tôi thực hiện được những mục đích ban đầu mà dự án đã đề ra. Cần phải nói rõ rằng những nghiên cứu này không nhằm mục đích đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển nông thôn và miền núi Việt Nam – Thuỵ Điển. Thay vào đó, ngay từ đầu cả SIDA và các nhà nghiên cứu của CRES hiểu rằng đây là những nghiên cứu mang tính chiến lược với mục tiêu là hiểu rõ hơn nữa về tình hình phát triển chung của vùng núi phía Bắc.

  • Báo cáo này cung cấp đánh giá so sánh về điều kiện môi trường, xã hội tại năm cộng đồng nghiên cứu mà các báo cáo đã được hoàn tất trong giai đoạn nghiên cứu thực địa. Trái với những báo cáo trường hợp trước, chỉ là những bản tóm tắt thô từ những số liệu thực tế ở từng địa phương cụ thể, bản báo cáo tổng hợp này mang tính chất so sánh và phân tích, nhằm mục đích:
  • Đánh giá sự khác nhau về điều kiện môi trường và xã hội trong các cộng đồng của miền núi phía Bắc.
  • Xem xét mối tương quan giữa các biến số chính về môi trường và xã hội trong các cộng đồng nghiên cứu bởi vì chúng ảnh hưởng tới thực trạng phát triển của những cộng đồng miền núi.
  • Xác định những quá trình cơ bản của sự thay đổi về mặt môi trường và xã hội ở vùng miền núi phía Bắc.
  • Xem xét những vấn đề liên quan của các chính sách phát triển miền núi trong xu hướng phát triển hiện nay.

Trong toàn bộ các nghiên cứu chúng tôi đã phải chọn một sự kết hợp tối ưu giữa diện và điểm nghiên cứu. Chúng tôi nghiên cứu các các cộng đồng nhỏ để từ đó khái quát hóa những xu thế phát triển vùng miền núi phía Bắc. Sẽ thật là lý tưởng nếu như chúng tôi nghiên cứu được số lượng các mẫu nghiên cứu lớn hơn, nhưng do sự hạn chế về thời gian, tài chính, cũng như nguồn lực con người đã không cho phép chúng tôi đạt được mục tiêu ban đầu là nghiên cứu với 12 cộng đồng mẫu. Tuy nhiên chúng tôi đã phải lựa chọn một cách rất kỹ các mẫu nghiên cứu để có được những cộng đồng đại diện cho các kiểu quan trọng nhất của hiện trạng phát triển vùng núi phía Bắc. Bù vào sự thiếu hụt về số lượng mẫu nghiên cứu, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi đã thu thập những thông tin rất sâu trong phạm vi thay đổi rất rộng những biến số về xã hội và môi trường trong từng trường hợp nghiên cứu. Tuy nhiên chúng tôi cũng không hề ảo tưởng rằng báo cáo này sẽ đưa ra một đánh giá cuối cùng hoàn thiện về xu hướng phát triển vùng miền núi phía Bắc. Thay vào đó, chúng tôi hy vọng rằng qua báo cáo này sẽ có nhiều người được chia sẻ sự hiểu biết về vùng miền núi phía Bắc, vì trước hết nó có lợi không những vấn đề mà nghiên cứu trả lời, mà còn cả những vấn đề mới phát sinh từ nghiên cứu này. Chỉ khi chúng ta xác định được những vấn đề đúng đắn để giải quyết thì mới có thể có khả năng xây dựng một dự án nghiên cứu có thể soi sáng được những thung lũng còn tăm tối đang tiếp tục làm mờ đi cái nhìn của chúng ta về tình hình phát triển ở miền núi phía Bắc.

Xem chi tiết